1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ngoại trưởng John Kerry: Việt, Mỹ từ cựu thù trở thành đối tác

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, quan hệ Việt-Mỹ là bằng chứng cụ thể cho thấy những cựu thù có thể trở thành đối tác. Ông cũng kêu gọi hai bên nên xóa bỏ những nghi ngờ bằng lòng tin và sự tôn trọng để tiếp tục đưa quan hệ song phương đi xa hơn trong 20 năm tới.

Ngoại trưởng John Kerry: Việt, Mỹ từ cựu thù trở thành đối tác - 1

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội chiều ngày 7/8 (Ảnh: AFP)

Hàn gắn những vết thương chiến tranh

Trong bài phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy thịnh vượng: Hợp tác phát triển Việt Nam-Hoa Kỳ” nhân kỷ niệm 20 bình thường hóa quan hệ ngại giao tại Hà Nội sáng ngày 7/8, ông Kerry đã nhắc lại rằng quá trình tiến tới bình thường giữa hai nước hóa mất nhiều thời gian và rất khó khăn. Đây là quá trình chậm chạp, với nhiều công việc được thực hiện kỹ càng, bằng sự can đảm, nhân nhượng của cả 2 bên.

Nhắc lại quá trình ấy, Ngoại trưởng Mỹ đã nói tới một nhân vật có nhiều đóng góp cho việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ: Thượng nghị sĩ John McCain. Ông Kerry cho hay bất chấp sự hoài nghi của nhiều người, ông và Thương nghị sĩ McCain đã hợp tác cùng nhau để tìm ra tiếng nói chung tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.

“Tôi không quên thời điểm tôi đứng cùng ông McCain tại phòng giam cũ ở Hỏa Lò, nơi ông ấy từng bị giam giữ. Tôi đã nghe ông kể về những ký ức thời chiến. Và tôi đã biết ơn sự giúp đỡ, đóng góp của McCain cho tiến trình hòa giải quan hệ Việt-Mỹ đó”, nhà ngoại giao Mỹ nói.

Ông Kerry đã cảm ơn tất cả những người đã hỗ trợ cho quá trình bình thường hóa Việt-Mỹ. Ông nói ông biết ơn các nhà lãnh đạo có tầm nhìn và đưa ra quyết định để hai nước tiến lên phía trước. Ngoại trưởng Mỹ đã nhắc tới nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm…

Ngoại trưởng Kerry cũng nói ông cảm ơn người Việt Nam đã trợ giúp để tìm kiếm các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.

“Họ đã tự nguyện đào cả ruộng lúa, cho phép chúng tôi vào nhà. Họ còn dẫn chúng tôi qua những nơi chính xác còn là các bãi mìn. Bản thân tôi đã thực hiện 16-17 chuyến đi tới khu vực này và đọc hàng trăm câu chuyện của các quân nhân Mỹ mất tích. Chúng tôi đã tìm ra câu trả lời cho hàng trăm gia đình có người thân mất tích. Chúng tôi cũng trợ giúp Việt Nam tìm kiếm các quân nhân mất tích trong chiến tranh. Công việc này vẫn đang tiếp tục”, ông Kerry nói.

Nhà ngoại giao Mỹ cho hay hai nước cũng phối hợp để xử lý đất bị nhiễm dioxin, đặc biệt là gần sân bay Đà Nẵng, và tìm và rà phá vật liệu nổ từ chiến tranh. Nỗ lực chung của hai nước đã góp phần xóa bỏ bớt những rào cản, nghi ngờ giữa hai nước.

Nhìn về phía trước

Ông Kerry cho hay, chiến tranh đã làm chia rẽ 2 nước, nhưng quá trình tiến tới hòa giải không nên bị lãng quên, bởi nếu quên thì không rút ra được bài học gì. “Chúng ta có mặt ở đây không phải để sống trong quá khứ. Trong nhiều năm, tôi đã mong rằng nói đến Việt Nam, người ta không nhắc tới chiến tranh nữa”.

Trong chuyến thăm mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, lãnh đạo hai nước đã đưa ra các cam kết để thúc quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, giáo dục, y tế đến quốc phòng, an ninh, khoa học, môi trường.

Theo ông Kerry, người dân hai nước giờ hiểu nhau hơn thông qua hoạt động kinh doanh, giáo dục, du lịch. Ông cho rằng người Mỹ gốc Việt cũng đang ngày càng tăng cường quan hệ với quê hương và đây là điều rất quan trọng.

“Giờ là lúc cần nhìn về phía trước. Chúng ta không còn trong quá trình hòa giải nữa. Giờ đây 2 nước đã hòa giải xong rồi. Hãy nhìn vào sự chuyển biến tốt đẹp của hai nước”, ông nói.

Hiện có khoảng 17.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Mỹ, so với con số vài trăm trước đây. Thương mại song phương Mỹ-Việt Nam tăng từ mức 451 triệu USD lên 35 tỷ USD vào năm 2014. Ông Kerry nói đây không chỉ là những con số thống kê, mà là dấu hiệu cho thấy quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Theo ông Kerry, một dấu mốc quan trọng là hai nước đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013. Giờ đây, hai nước có cơ hội đạt được bước đột phá về thương mại, với tâm điểm là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một khi TPP được ký kết, hiệp định sẽ giúp tăng cường quan hệ thương mại, mở ra nhiều cơ hội cho cả hai bên.

“Điều quan trọng không phải là nền kinh tế có lớn hay không, mà điều quan trọng là nền kinh tế lớn mạnh theo cách nào”, ông Kerry nhấn mạnh.

Sáng kiến sông Mekong

Trong bài phát biểu, ông Kerry đã dành một phần thời gian để nói về những mối đe dọa đối với sông Mekong, nơi gắn liền với những ký ức từ thời ông tham gia cuộc chiến tranh tại Việt Nam hơn 40 năm trước.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bị đe dọa bởi hiện nay nước biển dâng cao, các cơn bão ngày càng thường xuyên và mạnh hơn, các đập nước không được lập kế hoạch tốt, hạn hán xảy ra thường xuyên.

“Tôi đã có thời gian ở vùng đồng bằng sông Cửu Long khi tôi phục vụ trong hải quân Mỹ. Tôi biết rõ về hệ thống kênh rạch và vẻ đẹp thiên nhiên ở nơi này. Nhưng vẻ đẹp thiên nhiên chỉ là một phần của sông Mekong, bởi toàn bộ lưu vực sông Mekong như mạch máu nuôi sống hơn 70 triệu người”.

“Lúc đó, không ai nghĩ rằng khi tôi còn đi tuần trên sông Mekong vào những năm 1968-69 thì nửa thế kỷ sau tôi lại có cơ hội tạo ra sáng kiến để cứu dòng sông này. Đây chính là điều chúng tôi đang làm với các đối tác Campuchia, Thái Lan, Lào, Việt Nam và Myanmar”, ông nói.

Thông qua qua sáng kiến hạ lưu sông Mekong, các nước đang hợp tác cùng nhau để chống lại các ảnh hưởng của khí hậu. Chính phủ Mỹ đang tập trung vào năng lượng sạch, hạ tầng để phát triển bền vững cũng như quản lý tài nguyên sinh thái. Mỹ cam kết phải đưa quan tâm chung biến thành hành động, ông Kerry cho biết.

Kỳ vọng ở 20 năm tới

Trong bài phát biểu sáng nay, Ngoại trưởng Mỹ đã nhắc tới việc trường Đại học Fulbright tại Việt Nam sắp được thành lập sau khi nhận được giấy chứng nhận đầu tư hồi tháng trước. Ông cũng không quên nói về quan hệ hợp tác an ninh giữa hai nước và chia sẻ những quan điểm chung về tranh chấp Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ cũng hy vọng rằng những vấn đề khác mà hai nước còn tranh luận trong nhiều năm qua sẽ đạt được tiến bộ trong tương lai.

Đúc kết lại quan hệ song phương Việt-Mỹ, ông Kerry cho rằng hai nước đã chứng minh được rằng những cựu thù có thể trở thành đối tác, kể cả trong một thế giới phức tạp mà hai bên đang đối mặt hôm nay.

Ông Kerry đã nhắc lại lời của cựu Tổng thống Bill Clinton khi tuyên bố quyết định bình thường hóa quan hệ năm 1995 rằng “hãy để cho thời điểm này là thời điểm để hàn gắn xây dựng”.

“Chúng ta đang đứng đây để kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Đây là bằng chứng cho thấy rằng số phận không bắt chúng ta phải lặp lại những lỗi lầm trong quá khứ. Chúng ta có khả năng vượt qua những cay đắng và dùng sự tin cậy thay thế nghi ngờ, dùng sự tôn trọng thay thế sự ghét bỏ”.

Ông Kerry nói hai nước mất 20 năm để bình thường hóa quan hệ và mất thêm 20 năm để đi từ hàn gắn đến xây dựng. “Hãy cùng chờ đợi những gì chúng ta làm được trong 20 năm tới”, ông nói.

Cuối bài phát biểu, ông Kerry đã nhắc tới câu chuyện về một lần đạp xe của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và các quan chức ngoại giao Việt Nam.

“Mùa xuân vừa rồi, Đại sứ Osius cùng trợ lý ngoại trưởng Mỹ và các đại diện ngoại giao Việt Nam đã trèo lên đỉnh núi cao nhất Việt Nam là đỉnh Phanxipăng. Ông Osius nói hành trình rất khó khăn vì trời nhiều mây, có mưa và họ suýt lạc đường. Nhưng cuối cùng họ vẫn chinh phục thành công”.

“Với chúng ta cũng như vậy, có những ngọn đồi rất cao cần phải trèo và có những quyết định khó khăn chúng ta cần làm. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, nếu cố gắng chúng ta có thể làm được với ước vọng chung. Đây là sẽ bằng chứng cho quyết tâm của cả người Việt Nam và người Mỹ. Chúng ta phải ghi nhớ quá khứ nhưng cũng luôn nỗ lực cho một tương lai hòa bình, thịnh vượng”.

An Bình