1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngoại trưởng Indonesia: Cần đối thoại về vấn đề Biển Ðông

(Dân trí) – Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa kêu gọi các bên liên quan đẩy mạnh cơ chế đối thoại về các vấn đề ở Biển Đông và nhanh chóng phê chuẩn COC, cho rằng đây là việc làm quan trọng nhất hiện nay.

Ngoại trưởng Indonesia: Cần đối thoại về vấn đề Biển Ðông
  Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói việc phê chuẩn Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông là điều quan trọng hơn bao giờ hết.

Sau một năm căng thẳng liên quan đến các vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và Hoa Đông, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đối thoại thêm, nhất là khi Mỹ và Trung Quốc đã bầu xong lãnh đạo mới, còn Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị cho các cuộc tổng tuyển cử vào tuần tới.

 Theo Ngoại trưởng Natalegawa, việc các bên cùng ngồi vào bàn đối thoại đang trở thành vấn đề cấp thiết sau những diễn biến dồn dập gần đây ở Biển Đông và Hoa Đông.

 Ông Natalegawa ám chỉ đến việc Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) đã không đạt được sự đồng thuận rộng rãi về một khung sườn giải quyết tranh chấp Biển Ðông trong hai kỳ họp quan trọng gần đây, cũng như việc Trung Quốc liên tiếp có những hành vi sai trái hòng độc chiếm Biển Đông như cho lưu hành hộ chiếu in “đường lưỡi bò”, phát hành bản đồ “hành chính Tam Sa” và loan báo chặn giữ các tàu nước ngoài di chuyển trên Biển Đông.

 Các hành động của Trung Quốc đã gây phản ứng mạnh từ cộng đồng khu vực và quốc tế cũng như tâm lý căm phẫn tại nhiều nước.

Việt Nam, Philippines, Ấn Ðộ,  Singapore, Mỹ và nhiều nước khác đã phản đối những hành động gây hấn ở Biển Đông của Trung Quốc.

Là người đóng vai trò điều giải trong các cuộc tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ ở Biển Đông, Ngoại trưởng Natalegawa nói việc phê chuẩn COC hiện là điều quan trọng hơn bao giờ hết.
 
“Chúng ta đang chứng kiến rất nhiều cuộc chuyển tiếp ở các nước trong vùng. Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa trải qua thời kỳ chuyển tiếp chính trị. Sắp tới ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng vậy. Những chuyển biến này không những tạo ra sự thay đổi tương quan giữa các nước, mà còn tạo ra những xáo trộn ở bên trong từng quốc gia. Vì thế chúng ta cần phải có một sự ổn định nào đó, một tiêu chuẩn nào đó, một Bộ quy tắng ứng xử (COC) để theo đó, chúng ta có thể giải quyết các vấn đề quyền lợi chung bên trong khu vực”, ông Natalegawa nói.

 Ông Natalegawa đã nhiều lần hô hào các nhà lãnh đạo trong khu vực đồng ý về Bộ quy tắc ứng xử COC. Ông cũng bày tỏ tin tưởng ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được nhất trí thúc đẩy thảo luận về văn kiện này vì tương lai hòa bình, ổn định, an toàn và hợp tác hàng hải trong khu vực.

 Ông Natalegawa  nói nhiều thập niên ổn định trong khu vực đã đưa tới một phần thưởng kinh tế rõ ràng. Đó là việc duy trì hòa bình đã đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

 Tuy nhiên, ông Aleksius Jemadu, Trưởng khoa Ngoại giao trường Ðại học Pelita Harapan ở Jakarta, nói rằng việc thuyết phục Trung Quốc đi tới COC sẽ không dễ dàng.

 ​​“Vấn đề là có thể thuyết phục được Trung Quốc tham gia hay cam kết vì lợi ích chung của khu vực khi mà Bắc Kinh chỉ chú trọng đến các lợi ích chiến lược riêng của mình. Trung Quốc hiện nay chỉ quan tâm đến các lợi ích chiến lược, duy trì an toàn năng lượng, sự toàn vẹn lãnh thổ và tư tưởng hãnh tiến một cường quốc mới nổi…”, ông Aleksius nói. 
 

Linh Giang