1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ngoại trưởng Hàn Quốc gây tranh cãi vì bình luận "hớ hênh"

(Dân trí) - Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đang bị chỉ trích với bình luận rằng việc Seoul đứng giữa Washington và Bắc Kinh không phải là một “tình thế lưỡng nan”, mà là “phúc lành”. Bình luận này được đưa ra sau khi Seoul tuyên bố gia nhập ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se (trái) và người đồng cấp Mỹ John Kerry. (Ảnh:

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se (trái) và người đồng cấp Mỹ John Kerry. (Ảnh: News.cn)

Theo tờ Joong Ang, phát biểu trước các nhà ngoại giao Hàn Quốc hôm 30/3, Ngoại trưởng Yun Byung-se đã cho rằng: “Chúng ta không nên coi việc nhận được những lời “ve vãn” từ cả Mỹ và Trung Quốc nhờ giá trị chiến lược của đất nước là một tình thế lưỡng nan, hay một chuyện phải đau đầu. Thay vào đó, chúng ta nên gọi nó là phúc lành”.

“Châu Á - Thái Bình Dương đủ lớn để có thể dung hòa cả một Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Mỹ đang tái cân bằng”, ông Yun nói thêm.

Phát biểu của ông Yun được đưa ra trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đang bị chỉ trích do đã không thể giải quyết khéo léo vấn đề phức tạp liên quan đến hai siêu cường Mỹ - Trung.

Một vài nhà bình luận trong nước cho rằng Hàn Quốc đang bị thiệt hại trong cuộc chiến giữa hai cường quốc, hoặc đang mắc kẹt giữa Mỹ - Trung.

Cụ thể, Seoul mới đây đã quyết định gia nhập vào Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, bất chấp việc Washington đã bày tỏ quan ngại đối với kế hoạch này của Bắc Kinh.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye đang chịu sức ép từ việc Trung Quốc phản đối kịch liệt kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc của Mỹ.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Yun hôm 30/3 nhận định quyết định tham gia AIIB của Seoul là một ví dụ điển hình của kỹ năng ngoại giao điêu luyện. Ông khuyên các nhà ngoại giao không nên lo lắng về “các chỉ trích thiếu suy nghĩ”.

Phát ngôn thiếu cẩn trọng

Lời bình luận của ông Yun ngay lập tức đã vấp phải nhiều chỉ trích từ các chính trị gia và các chuyên gia ngoại giao trong nước. Trong khi nhiều người nhận định khái niệm “phúc lành” ông đưa ra “thiếu chiều sâu”, những người khác lại cho rằng phát ngôn này không nên được đưa ra một cách công khai như thế.

“Trên cương vị của người đứng đầu ngành ngoại giao nước nhà, đưa ra một phát ngôn như thế là một sự khinh suất”, một chuyên gia ngoại giao giấu tên nhận định.

Vị học giả này bổ sung: “Hoạt động của ngành ngoại giao luôn phải song hành với lòng tự hào dân tộc, và sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh đất nước trên trường quốc tế, bởi vậy việc Ngoại trưởng Yun đánh giá tình hình hiện nay là “phúc lành” là một điều không phù hợp”.

Trong khi đó, ông Cha Kang, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asan, đồng ý với nhận định của Ngoại trưởng Yun rằng Trung Quốc và Mỹ đều cần Hàn Quốc cho các lợi ích chiến lược của họ. Tuy vậy, ông nhấn mạnh Ngoại trưởng Yun đã đi quá xa khi gọi đó là một “phúc lành”, và gợi ý nên gọi nó là một “cơ hội”.

Ông Cha cũng cho rằng việc Hàn Quốc đồng ý tham gia AIIB lúc này là đúng thời điểm. Bởi nếu đưa ra quyết định quá sớm, chính phủ sẽ phải đối mặt với áp lực khổng lồ từ Mỹ, yêu cầu phải rút lui.

Hiện Seoul có thể chịu ít áp lực hơn vì đã đưa ra quyết định sau khi các đồng minh của Mỹ là Anh và Pháp chọn gia nhập ngân hàng Trung Quốc.

Đại diện chính phủ Hàn Quốc, một phát ngôn viên Nhà Xanh đã nhận định: “Mọi thứ có lẽ đã tốt hơn nếu Ngoại trưởng Yun dùng từ ngữ hợp lý hơn khi phát ngôn công khai”. “Tuy vậy, chúng ta cũng không nên cho rằng nước ta đang bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc”, phát ngôn viên này cho hay.

Thoa Phạm
Theo Joong Ang