1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ngoại giao chiến hạm của Anh và chiến lược "chọc gấu tránh rồng"

Dù phô diễn sức mạnh tại Biển Đen và Địa Trung Hải nhưng nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh lại hành xử cẩn trọng hơn ở các vùng biển Đông Á.

Ngoại giao chiến hạm của Anh và chiến lược chọc gấu tránh rồng - 1

Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh

Trong bối cảnh Trung Quốc đang đóng vai trò như một đầu tàu kinh tế cho sự phục hồi của thế giới trước dịch Covid-19 và mở rộng ảnh hưởng trên khắp khu vực Đông Á, chính sách ngoại giao pháo hạm của Anh tại các vùng biển Đông Á đã thận trọng hơn đáng kể so với khoảng thời gian nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (CSG) của nước này hiện diện tại Biển Đen và Địa Trung Hải.

Hành trình viễn du đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (CSG), bắt đầu từ tháng 5/2021, đã được truyền thông Anh ca ngợi như sự gia tăng vị thế của một "nước Anh toàn cầu" mới giai đoạn hậu Brexit.

Chính phủ Anh cho biết: "Sự hiện diện của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là minh chứng hùng hồn cho cam kết của Anh trong việc làm sâu sắc hơn các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh trong khu vực".

Trong khuôn khổ chuyến công du, CSG đã tập trận với hải quân của Malaysia, Singapore, Thái Lan, Mỹ và đến thăm đảo Guam. Tuy vậy, hành trình của đội tàu đa quốc gia do Anh dẫn đầu đã bị phủ bóng bởi sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan sau khi Mỹ quyết định rút quân khỏi quốc gia này.

CSG có 9 tàu, 32 máy bay, một tàu ngầm với quân số gồm 3.700 thủy thủ, phi công và lính thủy đánh bộ. Các tàu chiến của Mỹ và Hà Lan cũng nằm trong nhóm tàu hộ tống của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và phần lớn các máy bay F-35 trên boong tàu đều có phi công Mỹ. Việc Mỹ giao binh sỹ và khí tài quân sự cho Anh chỉ huy đã cho thấy khả năng tương tác về chiến thuật và sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa 2 nước.

Trong khi các tàu sân bay của Pháp và Mỹ hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, tàu sân bay lớp Queen Elizabeth lại chạy bằng hai động cơ turbine khí và 4 động cơ diesel cỡ lớn. Nó có tải trọng 65.000 tấn. Được đánh giá là "viên ngọc quý" của Hải quân Hoàng gia Anh, chiến hạm trị giá 3 tỷ bảng Anh này đã thể hiện được khả năng phóng chiếu sức mạnh trên không và trên biển.

"Chọc gấu tránh rồng"

Tại Địa Trung Hải, CSG đã tiến hành các cuộc không kích chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria. Tại Biển Đen, một tàu khu trục Anh nằm trong nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (CSG) đã đi vào vùng biển 12 hải lý quanh Bán đảo Crimea, khiến Nga triển khai nhiều tàu tuần tra và máy bay quân sự xua đuổi.

Tuy vậy, CGS lại hành xử cẩn trọng hơn ở các vùng biển Đông Á. Cả tàu sân bay Queen Elizabeth và các tàu tháp tùng đều không đi qua Eo biển Đài Loan - nơi mà Trung Quốc xem là khu vực đặc biệt nhạy cảm.

Trong chuyến thăm Bán đảo Triều Tiên từ ngày 30/8, tàu sân bay Hoàng gia Anh HMS Queen Elizabeth tham gia cuộc diễn tập hàng hải chung với lực lượng hải quân Hàn Quốc vào ngày 31/8. Tuy nhiên, cuộc tập trận diễn ra với quy mô nhỏ và không có sự tham gia của các lực lượng Mỹ tháp tùng CSG hay đang đồn trú tại Hàn Quốc.

Giới phân tích cho rằng, đây là điều dễ hiểu bởi nước Anh hậu Brexit đang tìm cách thúc đẩy quan hệ thương mại với các đối tác bên ngoài EU, mặt khác hành vi quyết đoán của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới và việc nước này ngày càng củng cố sức mạnh của các lực lượng vũ trang đã khiến Anh dè chừng. Vì những lý lẽ đó, Anh có thể đã quyết định rằng, bất chấp sự hùng hậu của nhóm tác chiến tàu sân bay, việc "chọc giận" Trung Quốc sẽ không mang lại lợi ích cho nước này.

Chuyến thăm Bán đảo Triều Tiên có gì đáng chú ý?

Chuyến thăm của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (CSG) của Anh tới Bán đảo Triều Tiên đã gây nhiều sự chú ý. Hàn Quốc- quốc gia từng chịu sự trả đũa nặng nề của Trung Quốc sau khi cho phép triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ nước này vào năm 2017 đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc về chiến lược đối đầu với Bắc Kinh.

Trong khi các quan chức quân sự Hàn Quốc quan tâm đến việc tàu sân bay Anh cập cảng nước này và hy vọng hai bên sẽ tiến hành các cuộc tập trận trên đất liền thì Nhà Xanh lại tỏ ra khá dè dặt. Trước đó kế hoạch của CSG đến thăm cảng Busan -cảng lớn thứ 2 tại Hàn Quốc đã bị hoãn lại.

Các cuộc tập trận hải quân chung giữa CSG và lực lượng Hàn Quốc bắt đầu được thực hiện ngoài khơi thành phố cảng Busan ở Đông Nam Hàn Quốc từ ngày 31/8 dự kiến kéo dài đến hết ngày 2/9. Theo giới phân tích, địa điểm diễn ra cuộc tập trận dường như đã được lựa chọn kỹ lưỡng.

Nếu các bên tiến hành tập trận ở vùng Biển Vàng, ngoài khơi cảng Pyeongtaek - nơi có căn cứ quân sự lớn của Mỹ thì điều này nhiều khả năng sẽ khiến Trung Quốc và thậm chí là Triều Tiên tức giận. Tương tự, nếu cuộc tập trận diễn ra ở ngoài khơi đảo Jeju của Hàn Quốc - nơi có căn cứ hải quân của Hàn Quốc thì thu hút sự chú ý của Trung Quốc. Bởi Jeju có vị trí hoàn hảo để giám sát các đơn vị hải quân ra và vào vùng biển Hoàng Hải - nơi có các cảng biển, căn cứ và tàu hải quân quan trọng của Bắc Kinh. Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn tập trận ngoài khơi Busan có lẽ hợp lý hơn cả.

Hôm 31/8, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo sẽ không có bất cứ khí tài nào của Mỹ tham gia các cuộc tập trận chung này. Chun In-bum - tướng về hưu của Hàn Quốc cho biết: "Điều đó khiến tôi bất ngờ". Theo ông, cuộc tập trận nhiều khả năng sẽ dựa trên các kịch bản nhân đạo và chống cướp biển hơn là tập trung vào hoạt động tác chiến của các lực lượng hải quân.

Kết nối với bạn bè và đối tác xa xôi

Cuộc hành trình của CSG với điểm đến đầu tiên là vùng Viễn Đông và điểm đến cuối cùng là Nhật Bản là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm ngày càng gia tăng của Anh đối với các khu vực có tầm quan trọng chiến lược cả về an ninh lẫn kinh tế.

Sau chuyến thăm Bán đảo Triều Tiên, điểm đến tiếp theo của CSG sẽ là cảng quân sự Sasebo của Nhật Bản. Ngoài ra, CSG sẽ tham gia cuộc tập trận chung Bersama Gold với Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore, đánh dấu kỷ niệm 50 năm ký kết thỏa thuận "Thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc" (FPDA).

Bất chấp đồn đoán trên các phương tiện truyền thông, Asian Timess cho rằng, CSG sẽ không đồn trú lâu dài tại các vùng biển Đông Á. Bởi Hải quân Hoàng gia Anh đang thiếu rất nhiều chiến hạm cùng với khu trục hạm và cũng không có sự hiện diện thường xuyên tại các vùng biển trong khu vực. Trong những năm gần đây, Hải quân Hoàng gia Anh nhiều lần triển khai tàu mặt nước đến khu vực nhưng đó là thường những lần triển khai đột xuất. Asia Times cho rằng, thay vì lập căn cứ cố định, Anh sẽ triển khai luân phiên các thủy thủ và lực lượng thủy quân lục chiến đến khu vực.