1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ngờ vực về an ninh mạng "bó cứng" thượng đỉnh Mỹ - Trung

(Dân trí) - Những ngờ vực và bất đồng về hoạt động gián điệp mạng đã thổi bùng căng thẳng Mỹ - Trung thời gian qua, và khó có khả năng Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể thu hẹp những khác biệt trong cuộc gặp lần này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama sẽ bàn thảo nhiều vấn đề gai góc (Ảnh: Xinhua)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama sẽ bàn thảo nhiều vấn đề gai góc (Ảnh: Xinhua)

Chuẩn mực nào?

Những năm gần đây căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington ngày một gia tăng và là dấu hiệu của một cuộc đấu tranh trên phạm vi rộng lớn hơn, nhằm thiết lập những quy tắc cho thế giới mạng mà Mỹ và nhiều quốc gia khác đang cố gắng xác định cách hành xử nào là chấp nhận được, cũng như cần làm gì để răn đe những hành động vượt quá giới hạn.

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh ngày thứ Sáu này, giới chức Mỹ đã tuyên bố rõ ràng về quan điểm của mình đối với hoạt động gián điệp mạng, mà họ tin là được Bắc Kinh hậu thuẫn. “Đây không chỉ là sự khó chịu thoáng qua, đó là mối quan ngại về kinh tế và an ninh quốc gia đối với nước Mỹ”, bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama tuyên bố.

“Vấn đề đang gây căng thẳng lớn cho mối quan hệ song phương của chúng ta và là nhân tố then chốt trong xác định quỹ đạo tương lai của quan hệ Mỹ - Trung”.

Từ phía Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên tiếng phủ nhận, còn truyền thông Trung Quốc thì nhấn mạnh sự “đáng tiếc” khi Mỹ có quan điểm trái ngược như vậy. Họ lập luận rằng những chỉ trích của Washington cho thấy sự ngạo mạn và “tâm lý bá quyền”, nhất là khi Mỹ bị cho là "do thám cả thế giới".

Hai bên đều tranh luận rằng việc xây dựng sự đồng thuận giữa một quốc gia đặt nền móng cho Internet và một nước đóng góp nhiều người dùng nhất là thiết yếu. Tuy nhiên hình hài của sự đồng thuận đó ra sao thì vẫn còn là đề tài tranh cãi.

Có thông tin cho thấy Trung Quốc và Mỹ đang bàn thảo về một dạng “kiểm soát vũ trang” trên không gian mạng. Ví dụ hai bên thỏa thuận sẽ không là bên tấn công trước nhằm vào những hạ tầng thiết yếu của bên còn lại trong thời bình. Nhưng đây là bước đi tương đối dễ dàng. Quan trọng hơn là nỗ lực thiết lập chuẩn mực ứng xử.

Trung Quốc quan tâm nhiều hơn tới các chuẩn mực giúp hỗ trợ một dạng kiểm soát nào đó của chính quyền đối với Internet, để ứng phó với mối quan ngại của Bắc Kinh về sự lấn át của Mỹ, cũng như những dòng thông tin không bị kiểm soát.

Mỹ lại muốn tuyên bố rằng không chỉ một số dạng thức tấn công phá hoại nhất định, mà cả hoạt động gián điệp kinh tế, theo như định nghĩa của họ, đều là không thể chấp nhận được.

Thông điệp của Washington cho rằng việc các chính phủ do thám chính phủ khác trên không gian mạng là chấp nhận được, nhưng không nên do thám các công ty vì lợi ích thương mại. Tuy nhiên đây là định nghĩa mà Trung Quốc và nhiều quốc gia khác cho rằng chỉ có lợi cho Mỹ.

Sự giận dữ của Mỹ có căn nguyên từ những hoạt động của một số đơn vị quân đội Trung Quốc bị nghi là đang đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và các thông tin kinh tế nhạy cảm của doanh nghiệp Mỹ.

Nhân tố Snowden

Hơn 2 năm trước, khi ông Obama chuẩn bị chất vấn lãnh đạo Trung Quốc tại cuộc gặp thượng đỉnh ở California về vấn đề do thám qua mạng thì một biến cố diễn ra.

“Chúng tôi khi đó đã nén chặt như lò xo”, một cựu quan chức tình báo Mỹ tiết lộ.

Nhưng rồi chỉ 2 ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh, những câu chuyện đầu tiên xuất hiện, dựa trên tài liệu bị rò rỉ bởi cựu điệp viên CIA Edward Snowden, khiến Washington phải dẹp bỏ mọi kế hoạch và chuyển trọng tâm sang vấn đề do thám mạng của Mỹ, thay vì Trung Quốc.

Phải mất một năm sau những tiết lộ của Snowden, Washington mới tập hợp được đủ năng lượng cho cú tấn công mới. Tháng 5/2014, Bộ Tư pháp Mỹ khởi tố 5 tin tặc Trung Quốc vì thực hiện hành vi gián điệp mạng nhằm vào các công ty Trung Quốc. Các tin tặc này đều bị cho là làm việc cho quân đội Trung Quốc và một số thậm chí còn được đăng ảnh mặc quân phục.

Trung Quốc là nạn nhân?

Đến nay, các dấu hiệu cho thấy việc Mỹ tìm cách răn đe – đầu tiên là cáo buộc và sau đó ra lệnh khởi tố - vẫn không khiến Trung Quốc thay đổi cách hành xử. Từ đó dấy lên câu hỏi liệu Washington phải làm gì tiếp theo.

Giới chức Trung Quốc cho rằng, khi nói đến gián điệp mạng, họ là nạn nhân thay vì là thủ phạm và chính Mỹ là vấn đề lớn nhất, do cách nước này sử dụng vị thế áp đảo của mình để kiểm soát Internet và hỗ trợ những hình thức do thám Mỹ ưa thích.

Họ cũng giận dữ trước những định nghĩa cho phép Mỹ do thám công ty và chính phủ nước ngoài vì lợi ích kinh tế quốc gia, nhưng lại nói rằng những dạng gián điệp thương mại khác là sai trái. Lãnh đạo Trung Quốc xem tăng trưởng kinh tế là vấn đề an ninh quốc gia, bởi đó là trụ đỡ cho sự tồn tại của trật tự chính trị hiện nay.

Căng thẳng trong vấn đề gián điệp mạng cũng gây ra trở ngại khác cho các công ty công nghệ Mỹ đang cố gắng hoạt động tại Trung Quốc. Họ đối mặt với áp lực từ cả hai phía. Một mặt họ phải chứng minh rằng không có cửa hậu nào được bí mật thiết kế trong sản phẩm để hỗ trợ Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, nhưng đồng thời cũng được đề nghị phải đảm bảo có cửa hậu để giúp chính phủ Trung Quốc vượt qua những chương trình mã hóa mạnh.

Năm nay, căng thẳng trên không gian mạng đã gia tăng lên một tầm mới, khi giới chức Mỹ nổi trận lôi đình trước thông tin 22 triệu hồ sơ của Văn phòng quản lý nhân sự (OPM) bị rò rỉ. Đây có khả năng trở thành dữ liệu quý giá cho tình báo các nước khác trong quá trình lần tìm những nhân sự dễ bị tác động, có thể bị khai thác, hoặc vạch trần những nhân viên tình báo giấu mặt.

Nhiều sỹ quan tình báo cấp cao của Mỹ đã ngầm bày tỏ ngưỡng mộ trước chiến dịch tình báo lớn này, và nói rằng nếu được trao cơ hội họ cũng sẽ làm điều tương tự. Bởi theo chuẩn mực của “riêng” Mỹ về cách hành xử, đây là hoạt động tình báo cổ điển và do đó nó được phép diễn ra.

Trung Quốc là nghi can chính trong vụ đột nhập OPM, dù các quan chức Mỹ cho rằng những dấu vết không rõ ràng như từng ghi nhận trong vụ Triều Tiên tấn công hãng phim Sony cuối năm ngoái.

Vụ tấn công này cho thấy những khó khăn trong việc truy trách nhiệm các vụ tấn công và đáp trả trên không gian mạng, cũng như việc xác định lĩnh vực tư nhân nào chính phủ cần đứng ra bảo vệ.

Phải ứng phó các dạng tấn công mạng khác nhau như thế nào, khi chúng có thể chỉ là các vụ do thám truyền thống nhưng cũng có thể vì mục đích thương mại thậm chí phá hoại? Những phần việc nào để cho các doanh nghiệp thực hiện thay vì chính phủ?

Đó là những câu hỏi mà các nhà hoạch định an ninh quốc gia tất cả các nước vẫn chưa thể trả lời. Và do đó có lẽ không ai nên chờ đợi vấn đề sẽ được giải quyết trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sắp tới.

Thanh Tùng

Theo BBC

Ngờ vực về an ninh mạng "bó cứng" thượng đỉnh Mỹ - Trung - 2