Nghĩa tình Tết con nuôi Việt Nam ở Canada
Dân tộc Việt Nam luôn có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Truyền thống văn hoá cao quý đó xuất phát từ tình cảm luôn để cao công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái. Cũng từ nét đẹp văn hoá này, Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đã tổ chức một hoạt động đầy ý nghĩa: Tết cho các gia đình Canada nhận con nuôi Việt Nam nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Sự góp mặt đông đủ và đầy háo hức của gần 50 gia đình Canada nhận con nuôi Việt Nam trong chương trình Tết Con nuôi 2016 do Đại sứ quán Việt Nam tại Canada tổ chức khiến chúng tôi, những người lần đầu được tham dự một hoạt động đầy ý nghĩa như thế này, không khỏi ngỡ ngàng và xúc động.
Ngỡ ngàng vì các gia đình đã không quản thời tiết giá lạnh mùa đông và đường sá xa xôi đề về dự buổi gặp mặt nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam. Và xúc động khi mỗi gia đình đến đây là một sợi dây kết nối giữa những người dân Canada giàu lòng nhân ái với đất nước Việt Nam ở cách xa nửa vòng Trái đất, thông qua những bé con nuôi đang được các gia đình hết lòng yêu thương và chăm sóc.
Có lẽ cũng vì vậy nên dù đây là lần đầu tiên gặp mặt các gia đình và các bé, nhưng chúng tôi và hầu hết những người có mặt không hề cảm thấy ngăn cách. Mọi rào cản về ngôn ngữ, thói quen hay văn hóa dường như đã bị đẩy lùi, để nhường vào đó là những tình cảm thân thương, gần gũi và hết sức trân trọng trước những nghĩa cử cao đẹp mà các gia đình Canada đã dành cho những trẻ em thiệt thòi ở Việt Nam.
Như Đại sứ Việt Nam tại Canada Tô Anh Dũng đã nói, không lời nào có thể diễn tả được hết sự cảm kích và trân trọng đối với những người bạn Canada đã mở rộng vòng tay thân ái cưu mang những số phận kém may mắn ở một đất nước xa xôi và còn nhiều khó khăn như Việt Nam. Đại sứ cũng mong muốn thấy các em nói được tiếng Việt, giữ được nét văn hóa cổ truyền của dân tộc để sau này khi lớn lên có thể trở thành cầu nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Mong muốn của Đại sứ Tô Anh Dũng cũng là nguyện vọng của các bậc cha mẹ nuôi người Canada. Chính vì vậy, các gia đình đã rất vui khi được đưa các em đến dự chương trình Tết Con nuôi do Đại sứ quán tổ chức. Trong cuộc sống hàng ngày, các gia đình cũng luôn cố gắng giúp các em duy trì những nét văn hóa Việt. Chia sẻ với chúng tôi, vợ chồng anh chị Mathieu Fortin cho biết khi chuẩn bị đón hai cháu cháu Phi Vũ (8 tuổi) và Ngọc Trâm (5 tuổi) đến với gia đình cách đây hai tháng, anh chị đã tìm hiểu rất nhiều về văn hóa và ẩm thực của Việt Nam. Gia đình còn học cách nấu một số món ăn Việt và học tiếng Việt để tạo môi trường thực sự gần gũi cho các con. Mỗi tuần, gia đình nấu hai bữa cơm Việt để Phi Vũ và Ngọc Trâm vơi đi phần nào nỗi nhớ Việt Nam. Do chưa thể nói chuyện nhiều bằng tiếng Việt với hai con, nên khi gặp chúng tôi, anh Mathieu còn nhờ hỏi xem các cháu thích và nhớ món ăn gì nhất ở tỉnh Vĩnh Long, nơi hai bé sinh sống trước đây. Sự quan tâm và tình cảm của cha mẹ luôn lớn lao như vậy.
Các ông bố, bà mẹ nhận con nuôi Việt chia sẻ cảm tưởng. Ảnh: Lê Hoàng/TTXVN
Gia đình chị Marlene Alt cũng nhận 2 con nuôi người Việt Nam. Cậu lớn năm nay đã 13 tuổi (gốc Thái Nguyên), cậu thứ hai năm nay lên 8 (gốc Quảng Ninh). Chị tâm sự cả gia đình chưa có cơ hội quay lại Việt Nam kể từ khi nhận các cháu về nuôi và gia đình rất mong được tìm hiểu thêm về văn hóa Việt, cũng như có dịp quay lại mảnh đất đã cho họ niềm hạnh phúc được làm cha mẹ. Chị Marlene Alt tâm sự: “Việc được nhận hai con nuôi không khác nào một giấc mơ có thật. Tôi không thể diễn tả được hết cảm giác hạnh phúc khi có những đứa trẻ bước vào cuộc đời mình và đó là một món quà mà đất nước Việt Nam đã tin tưởng, đã đem đến cho chúng tôi”.
Vâng, được đón nhận những đứa con là món quà lớn nhất và ý nghĩa nhất đối với bất kỳ bậc cha mẹ nào. Những lời chia sẻ tự đáy lòng của chị Marlene Alt đã làm trái tim chúng tôi nghẹn lại. Cảm xúc đó càng thêm lắng đọng khi được nghe chính các em - những bé con nuôi Việt Nam - nói về những mong mỏi được trở lại nơi đã cho các em sự sống. Cháu Ngô Quốc Hùng, tức Eli Taylor, con nuôi chị Marlene Alt cho biết: “Thời gian đã khá dài kể từ khi cháu sang đây, khi ấy cháu mới 8 tháng và nay đã lên 8 tuổi. Nay cháu đã đủ lớn để hiểu được tình cảm của mẹ nuôi. Mặc dù cảm thấy hơi buồn vì chưa được thăm lại đất nước mình nhưng dù sao cháu cũng rất vui khi được sống trong một gia đình hạnh phúc”.
Đáp ứng tình cảm tha thiết được trở về thăm Việt Nam của các gia đình nhận con nuôi và giúp các em tiếp cận, hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam cũng là mong mỏi của các tổ chức tiếp nhận con nuôi và Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Đại sứ Tô Anh Dũng cho biết: “Trong bối cảnh như hiện nay, có lẽ điều mà chúng ta mong muốn và cũng cần có gắng để làm hơn là tổ chức nhiều các hoạt động tương tự như thế này để đưa các gia đình nhận con nuôi gần với Cộng đồng người Việt của chúng ta, và qua đó tạo nên các kết nối để cho các trẻ em gốc Việt có khả năng giao lưu, học hỏi và tăng cường thêm tiếng Việt, cũng như là trao đổi văn hóa của dân tộc. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã có nhiều chính sách giúp các kiều bào ta ở nước ngoài dạy tiếng Việt cho các con em và chuyển thêm sách qua bên này để mở thêm các lớp dạy tiếng Việt”.
Đúng như lời của Đại sứ Tô Anh Dũng, trong bối cảnh hiện tại, điều cần thiết nhất là tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động tương tự như chương trình Tết Con nuôi để đưa các gia đình và các em tới gần hơn với cộng đồng, văn hóa và truyền thống dân tộc. Nhìn hạnh phúc và niềm vui ánh lên trong đôi mắt của các gia đình nhận con nuôi; nhìn các em hồn nhiên, thích thú vui đùa với những chú chuồn chuồn tre, một món quà đặc biệt do Đại sứ quán trao tặng, chúng tôi tin tưởng rằng rồi đây khi lớn lên, các em sẽ thực sự trở thành những cầu nối giữa hai nền văn hóa, hai dân tộc và luôn hướng về quê hương, nguồn cội với tình cảm được vun đắp từ những sự kiện đầy ý nghĩa như thế này.
Theo Vũ Hà (P/v TTXVN tại Canada)
Baotintuc.vn
http://baotintuc.vn/the-gioi/nghia-tinh-tet-con-nuoi-viet-nam-o-canada-20160205101353860.htm