1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nghi vấn ông Trump muốn lập liên minh kiềm chế Trung Quốc

(Dân trí) - Cho rằng G7 đã "lỗi thời", Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn mời thêm một số nước tham dự hội nghị, làm dấy lên nghi vấn ông đang tìm cách lập một liên minh mới để cô lập và kiềm chế Trung Quốc.

Nghi vấn ông Trump muốn lập liên minh kiềm chế Trung Quốc - 1

Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo thế giới tham gia một phiên họp của nhóm G7 tại Biarritz, Pháp năm 2019. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump ngày 30/5 cho biết ông sẽ hoãn hội nghị G7 dự kiến tổ chức ở Mỹ vào tháng 6 và mời thêm 4 nước, gồm Australia, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, tham gia cuộc họp có thể diễn ra vào mùa thu. “Tôi hoãn nó vì tôi không còn cảm thấy G7 đại diện đầy đủ cho những gì đang diễn ra trên thế giới. Đó là một tổ chức lỗi thời”, ông Trump nói. Phát ngôn viên Nhà Trắng Alyssa Farah cho biết, ông Trump muốn hội nghị thảo luận về Trung Quốc.

Động thái này làm dấy lên đồn đoán ông Trump đang tìm cách lập một liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Thông báo trên được đưa ra giữa lúc quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng do Washington giận dữ với cách ứng phó đại dịch Covid-19 của Bắc Kinh cũng như việc Bắc Kinh quyết định áp luật an ninh mới với Hong Kong.

Hàn Quốc và Australia là những đồng minh lâu năm của Mỹ, đặc biệt, gần đây Australia là một trong những quốc gia chỉ trích Trung Quốc gay gắt nhất và ủng hộ điều tra nguồn gốc dịch Covid-19, bày tỏ quan ngại về dự luật an ninh Hong Kong. Ấn Độ, trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng có hàng loạt mâu thuẫn với Trung Quốc, trong đó có căng thẳng ở biên giới.

Nga có mối quan hệ đối tác kinh tế chiến lược với Trung Quốc và bị loại khỏi nhóm G8 sau khi cho sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Tuy nhiên, ông Trump nhiều lần gợi ý mời Nga trở lại G8 do tầm quan trọng chiến lược của Moscow.

Ni Feng, giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định chính quyền của ông Trump đang tìm cách huy động sự ủng hộ từ các đồng minh nhằm kiềm chế Trung Quốc. "Mục đích rất đơn giản: Cô lập Trung Quốc. Đó mới chỉ là khởi đầu, tiếp đến sẽ là các biện pháp nhằm kiềm chế Trung Quốc".

John Lee, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson ở Washington, nhận định, việc thành lập một liên minh mới này sẽ khiến Trung Quốc lo ngại bởi Bắc Kinh vốn sợ bị đứng bên ngoài các tổ chức mới. Suốt một thập niên qua, Trung Quốc tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng trong các tổ chức đa phương, điều này đã khiến Mỹ quan ngại. Ý tưởng mở rộng G7 (vốn chỉ gồm Mỹ, Italia, Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản và Canada) có thể là nỗ lực mới nhất của Washington nhằm lập một liên minh quốc tế không có Trung Quốc.

Shahar Hameiri, phó giáo sư về nghiên cứu quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học Queensland, cho rằng đề xuất mở rộng G7 của ông Trump dường như có liên quan đến căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. “Có lẽ đây là thời điểm hai nền kinh tế lớn ngày càng chia tách nhau”, ông Hameiri nói. Chuyên gia này nhận định, Trung Quốc sẽ bị “giáng đòn” nếu bị loại khởi bất cứ sáng kiến mới nào do Mỹ dẫn đầu mà hướng đến lập một tổ chức quốc tế khác ngoài hệ thống toàn cầu hóa mà Trung Quốc vốn được hưởng lợi.

Tuy nhiên, ông Hameiri cũng nhấn mạnh, việc thuyết phục các đồng minh lập liên minh mới cô lập Trung Quốc cũng không dễ dàng với Mỹ khi các nước này cũng có những lợi ích riêng trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Ví dụ, bất chấp căng thẳng hiện tại giữa Bắc Kinh và Canberra, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia. Do vậy, Australia sẽ rất thận trọng với đề xuất của ông Trump, James Laurenceson, giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ Australia - Trung Quốc tại Sydney, bình luận.

Minh Phương
Theo SCMP