1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nghi vấn khoản bồi thường “gây sốc” mua sự im lặng sau vụ rơi máy bay Lion Air

(Dân trí) - Báo New York Times đưa tin, gia đình các nạn nhân vụ rơi máy bay của Lion Air (Indonesia) đã bị gây sức ép phải ký vào bản thỏa thuận nhận tiền bồi thường, đổi lại họ không được khởi kiện hãng hàng không này.

Nghi vấn khoản bồi thường “gây sốc” mua sự im lặng sau vụ rơi máy bay Lion Air - 1

Gia đình nạn nhân vụ rơi máy bay Lion Air tại Indonesia năm 2018 đau buồn trước sự ra đi của người thân. (Ảnh: Reuters)

Khi gia đình các nạn nhân vẫn chưa hết đau buồn sau sự ra đi của 189 người trên chuyến bay JT610 của hãng hàng không Lion Air năm ngoái, họ được triệu tập tới một căn phòng khách sạn chỉ vài tuần sau vụ tai nạn thảm khốc.

Các nhân viên của Lion Air, một hãng hàng không giá rẻ của Indonesia, đã nói với gia đình các nạn nhân rằng họ chỉ cần ký vào một tờ giấy và nhận được 1,3 tỷ rupiah, tương đương 91.600 USD.

Đối với những gia đình vừa mất đi lao động chính sau vụ rơi máy bay vào ngày 29/10/2018, số tiền mà họ nhận được theo quy định của chính quyền Indonesia về việc bồi thường thiệt hại trong một vụ tai nạn hàng không là điều cần thiết. Tuy nhiên, số tiền này thực chất nằm ở mức thấp nhất theo luật Indonesia.

Theo New York Times, các điều kiện do Lion Air đưa ra trước khi trả tiền bồi thường cho gia đình các nạn nhân rất “phức tạp” và “gây sốc”, thậm chí một số chuyên gia pháp lý còn hoài nghi về tính pháp lý của các điều kiện này.

Để nhận được tiền, người thân của các nạn nhân phải ký vào một bản cam kết, trong đó quy định họ không được tiến hành các động thái pháp lý nhằm chống lại Lion Air, các đơn vị hỗ trợ tài chính và bảo hiểm của Lion Air và Boeing - hãng sản xuất dòng máy bay 737 MAX 8 gặp nạn.

New York Times cũng dẫn thông tin từ một bản sao mà báo này có được cho thấy, những người ký vào bản cam kết còn phải hứa không được tiết lộ các điều khoản của bản cam kết đó ra bên ngoài.

Xét theo luật hàng không Indonesia từ năm 2011, khi gia đình các nạn nhân của một vụ tai nạn được nhận tiền bồi thường theo quy định của chính phủ, họ không phải từ bỏ quyền được thực hiện các hành động pháp lý nhằm vào một hãng hàng không hoặc các tổ chức khác có liên quan tới vụ tai nạn đó.

“Gia đình các nạn nhân không có nghĩa vụ hoặc bổn phận phải ký vào bất kỳ bản thỏa thuận nào. Có thể công ty đã tìm cách sử dụng mánh khóe. Việc ký kết không có giá trị pháp lý, nhưng công ty vẫn tìm cách ép gia đình các nạn nhân làm như vậy”, Ahmad Sudiro, trưởng khoa luật tại Đại học Tarumanagara ở Jakarta, Indonesia, nói về trường hợp bồi thường của Lion Air.

Bản cam kết bất thường

Nghi vấn khoản bồi thường “gây sốc” mua sự im lặng sau vụ rơi máy bay Lion Air - 2

Thi thể các nạn nhân được vớt lên bờ sau vụ rơi máy bay Lion Air tại Indonesia. (Ảnh: AFP)

Bản cam kết mà gia đình các nạn nhân vụ rơi máy bay Lion Air đã ký gồm danh sách dài 8 trang, trong đó liệt kê hàng trăm công ty, nhà thầu của Boeing. Những đơn vị này cũng không bị khởi kiện nếu gia đình các nạn nhân xác nhận đã nhận tiền.

“Đây là một văn bản bất bình thường của Lion Air. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy văn bản nào như vậy”, Charles Herrmann, luật sư Mỹ đại diện cho các thân chủ trong vụ rơi máy bay Lion Air và từng tiến hành kiện tụng sau các vụ tai nạn hàng không trong hàng chục năm, cho biết.

Một số người thân của các nạn nhân vụ rơi máy bay Lion Air cho biết nỗi buồn của họ càng nhân lên khi biết rằng họ đang bị gây sức ép để buộc phải chấp nhận một khoản bồi thường thấp và chối bỏ mọi quyền được khởi kiện.

Các gia đình cho biết họ không được phép mang bản sao các cam kết về nhà để nghiên cứu trước khi ký. Một số nói rằng họ còn bị cấm không được đưa luật sư riêng tới phòng khách sạn nơi Lion Air triệu tập để kiểm tra cam kết mà họ chuẩn bị ký, mặc dù trong cam kết đề cập tới việc họ có thể tham khảo ý kiến của luật sư.

Một số người khác cho biết một quan chức của Lion Air còn quay lại hình ảnh của gia đình các nạn nhân tới ký vào cam kết.

“Không có thời gian để đọc cẩn thận hay kiểm tra cam kết. Điều này thật tàn nhẫn và trái với pháp luật”, Latief Nurbana, một công chức cấp cao có con trai 24 tuổi thiệt mạng trong vụ tai nạn, cho biết.

“Số tiền (bồi thường) ít. Nhưng chúng tôi muốn chấm dứt việc gây sức ép về tâm lý”, Dedi Sukendar, người thân của một trong số các nạn nhân, nói.

Ông Latief là một trong số những người từ chối ký vào bản cam kết của Lion Air. Trong khi đó, Dedi nói rằng gia đình anh đồng ý ký vào bản cam kết để hai đứa con của một nạn nhân có thêm kinh phí tiếp tục đi học.

Hơn 20 người thân của các nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay Lion Air đã khởi kiện Boeing tại Mỹ, trong đó có gia đình của cơ phó trên chuyến bay định mệnh.

Vinni Wulandari, em gái của cơ phó Harvino trên chuyến bay JT610, cho biết kể từ khi gia đình cô kiện Boeing, hãng Lion Air đã từ chối trả tiền trợ cấp cho anh trai cô và cũng không thực hiện lời hứa chu cấp về học hành cho các con của anh này. Lion Air cũng không muốn gặp mặt cô.

“Họ đã chặn số của tôi. Thật đáng sợ với cách hãng đối xử với chúng tôi. Chúng tôi cũng là nạn nhân mà”, em gái của cơ phó Harvino nói về Lion Air.

Theo các nhà điều tra, các nhà điều hành an toàn hàng không và những người có liên quan tới các vụ tai nạn máy bay trước đây, Lion Air, hãng hàng không chứng kiến 15 sự cố lớn về an toàn bay trong lịch sử 20 năm của hãng, từng nhiều lần sử dụng tiền để xoa dịu các vấn đề rắc rối.

Một cựu điều tra viên an toàn giao thông Indonesia cho biết nhân viên của Lion Air từng tìm cách đưa một túi chứa đầy tiền mặt cho điều tra viên này khi đang điều tra vụ rơi máy bay Lion Air vào năm 2004. Khi bị từ chối, Edward Sirait, hiện là tổng giám đốc tập đoàn Lion Air, đã hỏi lý do điều tra viên không nhận số tiền này.

Các cựu điều tra viên tiết lộ những khoản tiền lót tay từ Lion Air là chuyện phổ biến vì các quan chức phụ trách an toàn giao thông thường được trả lương thấp. Lion Air từ chối bình luận về những thông tin này.

Thành Đạt

Theo New York Times