1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nghị sĩ Mỹ muốn mạnh tay hơn nữa với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

(Dân trí) - Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đang vận động chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có những hành động mạnh mẽ hơn nữa nhằm chống lại hành động quân sự hóa phi pháp Biển Đông của Trung Quốc.

Tàu USS Higgins (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Tàu USS Higgins (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Theo Free Beacon, nhóm ba thượng nghị sĩ Marco Rubio, Cory Gardner và Ed Markey ngày 24/5 đã gửi thư thỉnh nguyện lên Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định phản ứng của chính phủ Mỹ với hành động quân sự hóa Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế của Bắc Kinh dường như là chưa đủ và có nguy cơ làm gia tăng xung đột.

“Chúng tôi tin rằng 2 đảng trong quốc hội sẽ ủng hộ để Mỹ có thể thực hiện biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm đáp trả tham vọng quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc”, lá thư kêu gọi.

Lá thư được gửi tới Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis 3 ngày trước khi Mỹ điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam đi vào vùng biển thuộc phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo Cây, Linh Côn, Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không của các tàu và máy bay Mỹ trên Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng phản đối hành động của Mỹ, cho rằng tàu chiến Washington vào khu vực Biển Đông cần phải có sự cho phép của Bắc Kinh. Lầu Năm Góc sau đó đã bác bỏ quan điểm của Trung Quốc, cho rằng Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở khu vực tuân thủ theo luật pháp quốc tế.

Ba thượng nghị sĩ nhận định Trung Quốc đã triển khai phi pháp vũ khí trên các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Họ nhận định việc quân sự hóa trên Biển Đông thể hiện tham vọng củng cố quyền lực của Bắc Kinh trên khu vực Thái Bình Dương.

Trước đó, truyền thông Trung Quốc đăng tải hình ảnh cho thấy nước này đã điều máy bay ném bom tầm xa hạ cánh xuống quần đảo Trường Sa của Việt Nam, động thái mà Mỹ cho là làm gia tăng căng thẳng ở khu vực. Ngoài ra, các hình chụp từ vệ tinh đã “tố cáo” Trung Quốc ngang nhiên xây dựng các công trình phi pháp trên đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Các thượng nghị sĩ cho rằng hành động của Trung Quốc dường như là “tiền hậu bất nhất” khi đã đi ngược lại với cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp thượng đỉnh với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi năm 2015. Khi đó, ông Tập đã cam kết sẽ “không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa” các đảo trong khu vực.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà lập pháp Mỹ có quan điểm chống lại tham vọng bành trướng sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông. Hồi tháng 4, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng đã kêu gọi xây dựng một khung chính sách mới ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy hoạt động tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Hồi tháng 3, các nghị sĩ Mỹ cũng đưa ra dự luật đề xuất trừng phạt Trung Quốc vì hành vi bành trướng trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Đức Hoàng

Tổng hợp