Nghệ thuật ngoại giao khôn khéo của ông Kim Jong-un
(Dân trí) - Đối với một nhà lãnh đạo 34 tuổi mới thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên cách đây vài tháng, những gì ông Kim Jong-un thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã cho thấy nghệ thuật đàm phán khôn khéo không thua kém Tổng thống Donald Trump.
Theo SCMP, nhà lãnh đạo Triều Tiên khiến giới quan sát bất ngờ với những tính toán chiến lược sắc sảo trước khi bước vào cuộc đối thoại với Tổng thống Donald Trump, và hội nghị thượng đỉnh tại Singapore càng cho thấy rõ nghệ thuật đàm phán của ông Kim Jong-un.
Khi phải đối mặt với Tổng thống Donald Trump - một nhà lãnh đạo lão luyện mang phong cách truyền hình thực tế và nổi tiếng là người khó đoán, ông Kim Jong-un đã thành công trong việc tránh đưa chủ đề phi hạt nhân hóa “toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” (CVID) vào tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh. Ông Kim Jong-un đã khéo léo làm được điều này mà không tạo ra sự đối đầu căng thẳng nào tại cuộc gặp lịch sử. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ đã cùng đặt bút ký một thỏa thuận được cho là tương đối mơ hồ, trong đó cam kết “hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.
“Chắc chắn đó là dụng ý của ông Kim Jong-un khi kiên quyết không đưa vấn đề CVID vào tuyên bố chung”, một quan chức cấp cao Hàn Quốc nhận định, đồng thời cho rằng bất kỳ sự đề cập nào tới CVID cũng sẽ đẩy Triều Tiên vào tình thế bị kiểm soát chặt chẽ nhiều hơn.
CVID là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong các cuộc đàm phán trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều giữa Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim và Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui. Các cuộc họp “marathon” giữa hai bên chỉ kết thúc vào ngày 11/6, tức một ngày trước khi thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra, khi Washington nhượng bộ Bình Nhưỡng và đồng ý đưa CVID ra khỏi tuyên bố chung.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn luôn theo đuổi cách tiếp cận “theo từng giai đoạn và đồng bộ”, hay còn gọi là “hành động đổi hành động”, trước khi Triều Tiên đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân. Cách tiếp cận này đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải bù đắp cho Triều Tiên trong mỗi bước đi mà nước này thực hiện trên con đường từ bỏ chương trình hạt nhân, thay vì các nước ngồi chờ Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn rồi mới trao cho Bình Nhưỡng phần thưởng về kinh tế.
Một nguồn tin ngoại giao nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đã đưa cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un một vài lời khuyên về việc làm thế nào để tiến hành cuộc gặp với Tổng thống Trump theo cách tốt nhất. Trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thực hiện 2 chuyến đi liên tiếp tới Trung Quốc và đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông từ sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011.
Nghệ thuật ngoại giao
Lãnh đạo Mỹ - Triều cùng nhau đi dạo sau bữa trưa
Vào 9 giờ sáng ngày 12/6, khoảnh khắc đánh dấu cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un là khi nhà lãnh đạo Triều Tiên vào căn phòng hội đàm tại khách sạn Capella ở Singapore với tốc độ chậm rãi, nhịp nhàng và nụ cười quen thuộc. Ông Kim Jong-un sau đó bắt tay Tổng thống Trump - người nổi tiếng với những cái bắt tay mạnh mẽ như để thể hiện uy lực với người đối diện.
Ông Kim Jong-un không tỏ ra hồi hộp khi nắm tay và gật đầu vài lần với ông Trump trong màn chào hỏi. Ông Kim cũng không tìm cách né tránh việc giao tiếp bằng mắt với Tổng thống Trump - người lớn gấp đôi tuổi ông và cao hơn ông tới 20 cm. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên thậm chí còn vỗ vào cánh tay của ông chủ Nhà Trắng, một hành động tinh tế để thể hiện rằng ông cũng ngang bằng với Tổng thống Mỹ. Ngoài ra, ông Kim Jong-un còn tự tin chào ông Trump bằng tiếng Anh.
“Rất vui được gặp ông, Ngài Tổng thống”, ông Kim Jong-un, người từng có nhiều năm theo học tại Thụy Sĩ trước khi lên nắm quyền tại Triều Tiên, nói.
Một nghị sĩ Hàn Quốc thuộc đảng Dân chủ cầm quyền cho rằng những gì nhà lãnh đạo Kim Jong-un thể hiện trong cuộc gặp với Tổng thống Trump dường như đã được tập luyện từ trước.
“Có vẻ như ông Kim Jong-un đã được chỉ dẫn và có lẽ ông ấy đã tập luyện để chuẩn bị cho khoảnh khắc này”, nghị sĩ Hàn Quốc cho biết.
Ngoài cuộc gặp riêng song phương với Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng gây ấn tượng với giới quan sát tại cuộc họp với hai phái đoàn quan chức Mỹ và Triều Tiên, trong đó mỗi bên cử 4 người tham gia.
4 đại diện của Triều Tiên tham gia cuộc họp gồm Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, Ngoại trưởng Trièu Tiên Ri Yong-ho và Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Ri Su-yong phụ trách các vấn đề quốc tế. Trong khi đó, Mỹ cử Ngoại trưởng Mike Pompeo, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton ngồi cạnh Tổng thống Trump trên bàn họp.
Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Kim Jong-un đã cho thấy nghệ thuật lãnh đạo khi gửi lời “cảm ơn” tới Tổng thống Trump giống như mọi nhà lãnh đạo khác của một “quốc gia bình thường”.
“Chúng tôi sẽ ký một văn kiện mà chúng tôi muốn bỏ lại quá khứ phía sau và đánh dấu một khởi đầu mới tại hội nghị lịch sử”, ông Kim Jong-un nói trước khi đặt bút ký vào tuyên bố chung.
Đây không phải lần đầu tiên nhà lãnh đạo Kim Jong-un thể hiện sự khôn khéo trong ngôn từ ngoại giao. Trước đó, ông từng gây ấn tượng trong cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại khu phi quân sự liên Triều hồi tháng 4.
Tại cuộc gặp này, ông Kim Jong-un đã “đề xuất tới thăm dinh tổng thống” của ông Moon tại Seoul. Tuy chỉ là một hành động nhỏ nhưng điều này đã giúp làm tan băng quan hệ và thay đổi nhận thức của công chúng rằng, ông Kim Jong-un chỉ là một nhà lãnh đạo trẻ và muốn nắm quyền lực.
Tại Singapore, ông Kim Jong-un cũng giành được thiện cảm từ công chúng khi có chuyến tham quan bất ngờ trong đêm tới các điểm du lịch nổi tiếng của quốc đảo này. Tươi cười trước truyền thông, vẫy tay chào các phóng viên và khách du lịch, nhà lãnh đạo Triều Tiên xuất hiện với hình ảnh thân thiện và thoải mái, khiến đám đông cũng cười và vẫy tay chào lại ông.
Michael Kovrig, cố vấn cấp cao về Đông Bắc Á tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nhận định việc đi ngắm cảnh "là động thái bất thường đối với một lãnh đạo Triều Tiên" nhưng ông Kim Jong-un đã tận dụng rất tốt điều này để tạo không khí ngoại giao và hòa giải.
"Tôi nghĩ ông Kim muốn giành được thiện cảm của mọi người và lôi kéo sự đồng cảm của mọi người đối với bản thân ông cũng như với đất nước Triều Tiên. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm làm suy yếu quyết tâm áp đặt trừng phạt và sức ép từ cộng đồng quốc tế. Ông Kim dường như chân thành muốn tái gia nhập cộng đồng quốc tế và phát triển kinh tế Triều Tiên", chuyên gia Kovrig nhận định.
Thành Đạt
Theo SCMP