Nga tuyên bố rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế
(Dân trí) - Nga đã quyết định thời điểm rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và sẽ thông báo trước một năm cho các đối tác về vấn đề này.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya-24 hôm 30/4, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin cho biết, mặc dù khung thời gian về việc Nga rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã được quyết định, song các nhà chức trách "không có nghĩa vụ phải tiết lộ công khai".
Trước đó, ông Rogozin cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đã cản trở Roscosmos tiến hành "công việc thường lệ" cùng Mỹ và các nước phương Tây khác trên ISS.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Rogozin lưu ý rằng các kế hoạch về hoạt động của Nga trên ISS do chính phủ và tổng thống Nga quyết định và Roscosmos hiện được phép tiếp tục hoạt động trên ISS đến năm 2024.
"Tôi chỉ có thể nói một điều: theo nghĩa vụ của mình, chúng tôi sẽ thông báo cho các đối tác trước một năm về việc kết thúc công việc trên ISS", ông Rogozin nói thêm.
Vào đầu tháng 4, ông Rogozin cáo buộc các lệnh trừng phạt của phương Tây "bóp nghẹt nền kinh tế Nga, buộc Nga phải khuất phục", nhưng chắc chắn sẽ thất bại.
"Đó là lý do tôi tin rằng việc khôi phục quan hệ bình thường giữa các đối tác tại ISS và các dự án khác chỉ có thể được thực hiện khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn và vô điều kiện", ông Rogozin nói.
Ông Rogozin cảnh báo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow có thể khiến trạm ISS rơi xuống. Ông cho biết nhiệm vụ của Nga ở trạm này nhằm giúp điều chỉnh quỹ đạo của ISS và các lệnh trừng phạt có thể khiến nhiệm vụ của Moscow bị ảnh hưởng, dẫn tới cấu trúc 500 tấn có thể "rơi xuống biển hoặc xuống mặt đất".
Giám đốc Điều hành Roscosmos cũng tiết lộ về kế hoạch xây dựng một trạm vũ trụ của riêng Nga, nếu nước này quyết định từ bỏ việc tham gia trong sứ mệnh ISS sau năm 2024.
Đầu tháng 3, Roscosmos thông báo ý định ưu tiên xây dựng các vệ tinh quân sự trong bối cảnh Nga ngày càng thấy bị cô lập sau khi tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine. Nga cũng tuyên bố sẽ không cung cấp động cơ cho các tên lửa đẩy Atlas và Antares của Mỹ.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu hồi tháng 3 cảnh báo sẽ đình chỉ hợp tác với Roscosmos trong sứ mệnh thám hiểm ExoMars nhằm tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên bề mặt sao Hỏa.
Roscosmos thông báo cơ quan này đã khiếu nại lên Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA, Cơ quan Vũ trụ Canada và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu nhằm "yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp đối với các công ty của Nga". NASA tuyên bố họ đang cố gắng tìm ra một giải pháp để có thể giữ ISS nằm trong quỹ đạo mà không cần Nga giúp.
Trạm Vũ trụ Quốc tế là một trong những công trình xây dựng vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Nằm ở quỹ đạo thấp của Trái Đất, ISS được tạo nên như một căn cứ ngoài không gian của con người, nơi các phi hành gia và nhà khoa học thực hiện các sứ mệnh nghiên cứu vũ trụ.
Việc xây dựng và phát triển ISS được triển khai thông qua sự hợp tác của 5 cơ quan hàng không vũ trụ lớn nhất thế giới từ Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Canada.