Nga - Trung kêu gọi Mỹ rút khỏi Trung Á
Hôm qua, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc tham gia cuộc họp thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Astana, Kazakhstan, kêu gọi Mỹ và đồng minh xác định thời điểm rút khỏi một số nước thành viên SCO ở Trung Á.
Tuyên bố trên của hai nước nắm vai trò lãnh đạo SCO phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải gồm các quốc gia Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan.
Theo các nhà phân tích, động thái mới của các nhà lãnh đạo SCO nhằm nỗ lực đẩy Mỹ ra khỏi Trung Á, vốn được Moscow nhìn nhận như một bộ phận mang tính lịch sử trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Đây cũng là nơi Trung Quốc đang tìm kiếm một vai trò chi phối vì nguồn tài nguyên năng lượng giàu có của khu vực này.
Tuy nhiên, Mỹ đã lên tiếng bác bỏ lời kêu gọi về một hạn chót cho việc rút quân khỏi Trung Á. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Sean McCormack cho rằng, sự hiện diện của quân đội Mỹ "được xác định bằng các điều khoản của những hiệp định song phương, theo những gì mà hai nước kết luận rằng có lợi cho cả hai bên".
Lực lượng đồng minh do quân đội Mỹ đứng đầu triển khai tại các căn cứ không quân ở Uzbekistan và Kyrgyzstan kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001, nhằm hỗ trợ cho các chiến dịch quân sự tại nước láng giềng Afghanistan. Hiện Mỹ có khoảng 800 binh sĩ tại Uzbekistan và chiếm đa số trong 1.200 binh sĩ liên quân đóng tại Kyrgyzstan.
Tajikistan cũng cho phép không quân Pháp sử dụng sân bay Dushanbe từ năm 2001 như một căn cứ hậu cần cho binh sĩ của họ tại Afghanistan. Khoảng 200 lính không quân Pháp đang có mặt tại cơ sở quân sự này.
Tuyên bố chung của SCO có đọan: "Chúng tôi đã và sẽ ủng hộ liên minh quốc tế mở chiến dịch chống khủng bố ở Afghanistan và chúng tôi nhận thấy tiến triển trong nỗ lực ổn định tình hình tại đây. Khi giai đoạn quân sự trong chiến dịch gần hoàn tất, SCO muốn các thành viên của liên minh quyết định hạn chót về việc sử dụng các cơ sở quân sự tạm thời và sự có mặt của quân đội tại các nước nói trên".
Theo một cố vấn về chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, Sergei Prikhodko, SCO không yêu cầu một sự rút quân ngay lập tức, nhưng các thành viên SCO muốn biết khi nào binh sĩ Mỹ sẽ hồi hương. Trước đó, Moscow cũng không phản đối khi Uzbekistan và Kyrgyzstan đồng ý cho Mỹ đặt căn cứ quân sự, nhưng các vụ bạo động liên tiếp ở Trung Á thời gian qua khiến Nga lo ngại.
Còn Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thì bày tỏ tại hội nghị thượng đỉnh SCO rằng, số phận của các nước Trung Á nằm trong tay họ và các nước này đủ khôn ngoan và năng lực để tự giải quyết những vấn đề nội bộ. Nhiều người cáo buộc Washington hậu thuẫn cho các vụ biểu tình bạo loạn ở Uzbekistan, Kyrgyzstan và một số nước trong vùng.
Tại hội nghị ở Astana, các nhà lãnh đạo SCO cũng cam kết sẽ gia tăng hợp tác an ninh trong khu vực. Hôm qua, Iran, Ấn Độ và Pakistan đã gia nhập tổ chức với tư cách là quan sát viên. Nếu 3 nước này trở thành thành viên đầy đủ thì SCO sẽ bao gồm một nửa dân số của thế giới.
Theo Đình Chính
Vnexpress/Reuters, AFP