1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga trục xuất 6 nhà ngoại giao Anh

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga tuyên bố thu hồi giấy phép của 6 nhà ngoại giao Anh, cáo buộc London tích cực tham gia vào việc leo thang căng thẳng toàn cầu và làm suy yếu sự ổn định của Moscow.

Nga trục xuất 6 nhà ngoại giao Anh - 1

Đại sứ quán Anh tại Moscow, Nga (Ảnh: Sputnik).

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 13/9, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo đã có được "các tài liệu xác nhận sự phối hợp của Anh trong việc leo thang tình hình quân sự - chính trị quốc tế".

Theo FSB, Anh cũng đã ủng hộ "các chính sách phá hoại" ở Nga nhằm gây ra "thất bại chiến lược" cho Nga, và những nỗ lực này do Cục Đông Âu và Trung Á (EECAD) của Văn phòng Đối ngoại và Khối thịnh vượng chung dẫn đầu.

FSB tuyên bố, sau khi xung đột Ukraine nổ ra, EECAD về cơ bản đã chuyển đổi thành một cơ quan đặc biệt hoạt động chống lại Moscow, điều đó có nghĩa là Nga coi các hoạt động của các nhà ngoại giao Anh làm việc dưới sự bảo trợ của cơ quan này là "mối đe dọa an ninh".

Trước động thái này và những "bước đi thù địch" khác của Anh, Bộ Ngoại giao Nga, phối hợp với các bộ phận liên quan, "đã chấm dứt tư cách công nhận đối với 6 nhân viên của bộ phận chính trị thuộc Đại sứ quán Anh tại Moscow, những người có hành động cho thấy dấu hiệu của hoạt động tình báo và hoạt động phá hoại", các nhà chức trách Nga cho biết, đồng thời nói thêm rằng Nga sẽ yêu cầu "chấm dứt sớm nhiệm vụ" của họ tại quốc gia này.

Phát biểu với hãng tin Tass, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hoàn toàn ủng hộ đánh giá của FSB, tuyên bố rằng các nhà ngoại giao Anh tại Nga thực tế đã tham gia vào "các hành động nhằm gây hại cho người dân của chúng tôi".

Chính quyền Anh vẫn chưa phản hồi về những cáo buộc này.

Quan hệ giữa Nga và Anh đã xuống mức thấp chưa từng có kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra. Hai nước đã nhiều lần trục xuất các nhà ngoại giao của nhau và áp đặt lệnh trừng phạt.

Vào tháng 2, FSB cũng cáo buộc Hội đồng Anh, một tổ chức văn hóa do nhà nước Anh tài trợ, đã thu thập thông tin tình báo cho Kiev bằng cách "sử dụng những người tị nạn Ukraine đang sống tại Anh để có được thông tin quân sự và chính trị thông qua các mối liên hệ của họ" tại vùng Kherson.

Bộ Quốc phòng Anh hồi tháng 8 cho biết lực lượng Ukraine có thể sử dụng vũ khí của London trong các cuộc tấn công trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Anh vẫn tiếp tục duy trì hạn chế Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Vào tháng 5, Bộ trưởng ngoại giao Anh khi đó là David Cameron cho biết Ukraine có quyền sử dụng vũ khí do London cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga, nhưng chính phủ Anh trước đó chưa bình luận về việc lực lượng bộ binh Ukraine sử dụng vũ khí do London tài trợ trên lãnh thổ Nga.

Một nguồn tin từ Anh cho biết quân đội Ukraine được cho là đã sử dụng xe tăng Challenger 2 của Anh viện trợ bên trong lãnh thổ Nga.

Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, London đã cam kết hỗ trợ quân sự 7,6 tỷ bảng Anh (9,77 tỷ USD) cho Ukraine, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực, xe bọc thép, đạn dược, hệ thống phòng không, thiết bị tác chiến điện tử và pháo binh.

Theo RT