1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga tìm ra chiến thuật hiệu quả để diệt "hỏa thần" HIMARS của Ukraine?

Minh Phượng

(Dân trí) - Xuất hiện trên chiến trường Ukraine vào tháng 6/2022, hệ thống HIMARS M142, thực sự là "hung thần" với Nga; nhưng cuối cùng, Moscow dường như cũng tìm ra chiến thuật hiệu quả để tiêu diệt chúng.

Nga tìm ra chiến thuật hiệu quả để diệt hỏa thần HIMARS của Ukraine? - 1

Ukraine sử dụng hiệu quả các tổ hợp HIMARS do Mỹ chế tạo và cung cấp (Ảnh minh họa: US Air Force).

Những thách thức của "hỏa thần" HIMARS đối với Nga

Vào ngày cuối cùng của năm 2023, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, họ đã phá hủy 3 bệ phóng tên lửa nhiều nòng gần Selidovo ở Donetsk và Glubokoye thuộc vùng Kharkov, trong đó bao gồm 2 HIMARS và 1 Alder.

Tiếp đó, ngày 1/1, kênh Military Informant TC đăng một đoạn video được cho là một xe bệ phóng HIMARS - ngay sau khi vừa khai hỏa - đã bị Nga tấn công bởi tên lửa chứa đạn chùm gần Konstantinovka.

Bệ phóng HIMARS được cho là đã bị phá hủy, tuy nhiên bằng chứng video được cung cấp cho thấy, các cuộc tấn công của đạn con xung quanh bệ phóng HIMARS chưa thực sự thuyết phục.

Dù vậy, điều đó gián tiếp cho thấy rằng Nga đã có thể tấn công HIMARS trước khi chúng kịp rút hoàn toàn khỏi khu vực phóng và đây đã là một thành tích quan trọng.

Pháo phản lực - tên lửa HIMARS được thiết kế tối ưu cho chiến thuật "bắn và chạy" nên xe sử dụng bánh hơi.

Về hỏa lực, HIMARS được trang bị một thùng chứa sáu ống phóng tên lửa GMLRS (tên lửa phóng loạt có dẫn đường hoặc không dẫn đường) kiểu mô-đun, có tầm bắn tối đa khoảng 80km, hoặc thay thế bằng hai tên lửa tấn công chiến thuật lục quân (ATACMS).

Tên lửa M31 dẫn đường theo kiểu quán tính và điều chỉnh sai số bằng vệ tinh, nên có độ chính xác rất cao, nếu bố trí trận địa ở vị trí an toàn - cách chiến tuyến 40km - nó có thể tấn công các mục tiêu giá trị ở khoảng cách 40km phía sau chiến tuyến của đối phương.

Với tầm bắn như vậy, trận địa bắn của HIMARS nằm ngoài tầm với của hầu hết các UAV cảm tử và tầm bắn của nhiều loại tên lửa phóng loạt đối phương.

Thời gian cần thiết để phóng tất cả số tên lửa HIMARS rất ngắn và mô-đun ống phóng có thể thay đổi tùy theo loại tên lửa được sử dụng. Có thể khẳng định chắc chắn rằng, thời gian cần thiết để đối phương phóng tên lửa và/hoặc UAV tự sát, sẽ lâu hơn gấp nhiều lần thời gian bay của tên lửa GMLRS đến mục tiêu.

Với phương pháp phản pháo truyền thống, khi HIMARS phóng đạn, radar trinh sát phát hiện và tính toán quỹ đạo tên lửa và chuyển tọa độ HIMARS về tổ hợp pháo phản lực hoặc bệ phóng tên lửa để tiêu diệt thì lúc này khẩu đội HIMARS đã cơ động đi xa.

Như vậy lợi thế nghiêng về HIMARS, Nga rất khó phản công HIMARS bằng thủ đoạn "hậu tấn công" truyền thống.

Nga được cho là phá hủy một tổ hợp HIMARS của Ukraine

Cứu tinh từ hệ thống phóng tên lửa đa nòng Tornado-S

Hệ thống phóng tên lửa đa nòng Tornado-S của Nga, có khả năng phóng tên lửa cỡ 300mm dẫn đường bằng vệ tinh và tên lửa dẫn đường quán tính, được trang bị đầu đạn đơn hoặc chùm, tầm bắn hơn 100km.

Nhưng với phương pháp phản pháo truyền thống, trước khi tên lửa Tornado-S tới mục tiêu, HIMARS đã di chuyển đến nơi an toàn.

Nhưng lần này, video đăng trên Military Informant TC lại cho thấy, dường như tên lửa Tornado-S đã được phóng trước khi HIMARS khai hỏa nên rút ngắn đáng kể thời gian phản ứng và cắt đứt đường rút lui của đối phương.

Trong trường hợp này, câu hỏi đặt ra là, người Nga đã tính toán trận địa HIMARS gần đúng - bằng cách vẽ đường đi của tên lửa - mà không sử dụng radar định vị vũ khí như thế nào?

Sự xuất hiện của tên lửa GMLRS có khả năng bị hệ thống trinh sát của Nga phát hiện và tọa độ mục tiêu chính xác ngay lập tức được truyền tới dàn phóng tên lửa Tornado-S.

Nếu hiện tại Nga đã làm chủ được các phương tiện phát hiện chùm tên lửa GMLRS, thì tác động đến tiến trình của các hoạt động quân sự đặc biệt (SMO) của họ tại Ukraine trong tương lai, sẽ rất đáng kể.

Nga tìm ra chiến thuật hiệu quả để diệt hỏa thần HIMARS của Ukraine? - 2

Hệ thống Tornado-S phóng tên lửa (Ảnh: Rostec).

Hệ thống trinh sát của Nga có thể phát hiện HIMARS?

Quân đội Nga có nhiều hệ thống trên không có khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa HIMARS và cung cấp thông tin cho các hệ thống hỏa lực phản pháo trên mặt đất. Chúng bao gồm máy bay trinh sát Tu-214R, UAV trinh sát tầm trung Orion và cuối cùng là chùm vệ tinh EKS Kupol.

Máy bay Tu-214R được thiết kế để trinh sát điện tử và quang học, máy bay được trang bị radar AESA phù hợp và hệ thống quang điện có độ phân giải cao, để phát hiện các mục tiêu mặt đất. Hệ thống quang điện được cho là có khả năng xác định chính xác mục tiêu theo thời gian thực.

Máy bay Tu-214R đã tham gia chiến đấu vào tháng 9/2022 trong khuôn khổ SMO của Nga tại Ukraine. Hiện tại Không quân Nga có hai máy bay thuộc loại này.

UAV trinh sát Orion MALE của Nga là một phương tiện trinh sát quang học và radar tương đối mạnh và họ có đủ số lượng để cung cấp khả năng giám sát tiền tuyến 24/7, sâu vào lãnh thổ Ukraine, trong khi vẫn nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không Ukraine.

UAV Orion có khả năng hoạt động liên tục 24 giờ và độ cao hành trình khoảng 6.000m.

Cuối cùng, hệ thống cảnh báo phóng tên lửa đạn đạo ESKKupol (Dome) của Nga, có thể có khả năng phát hiện chùm tên lửa GMLRS khi phóng. Hệ thống Kupol hiện có sáu vệ tinh Tundra, được trang bị cảm biến IRS có độ nhạy cao trên quỹ đạo Molniya có hình elip.

Chòm vệ tinh này dự kiến sẽ được bổ sung thêm 3 đến 4 vệ tinh, có thể duy trì giám sát 24 giờ đối với các vụ phóng tên lửa, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tấn công phản pháo nhanh.

Hiện không rõ bằng cách nào Nga phát hiện được vụ phóng GMLRS của HIMARS. Điều rõ ràng là Nga có khả năng phát hiện những vụ phóng như vậy chính xác hơn so với việc sử dụng phương pháp trinh sát bằng radar truyền thống. Khả năng này có thể cải thiện theo thời gian.

Tuy nhiên, rõ ràng từ video phản pháo được cho là chưa thực sự thuyết phục của Nga cho thấy, họ vẫn còn những thách thức trong việc chế áp các hệ thống HIMARS.

Quan trọng nhất là độ chính xác của hỏa lực phản pháo có hạn, sự kết hợp giữa định vị vệ tinh và dẫn đường quán tính chỉ có thể mang lại độ chính xác cao nhất là 10m, chưa đủ để tiêu diệt HIMARS một cách đáng tin cậy. Ngay cả việc sử dụng đầu đạn chùm trên tên lửa, cũng không đảm bảo khả năng hủy diệt. Vì vậy, việc phá hủy các hệ thống HIMARS vẫn là nhiệm vụ khó khăn.

Tuy nhiên, mối đe dọa ngày càng tăng của vũ khí Nga đối với các hệ thống HIMARS, khiến việc triển khai những hệ thống này lùi sâu về phía sau tuyến phòng thủ của Ukraine, đã đủ để hạn chế việc sử dụng chúng.

Nếu thông tin hai bệ phóng HIMARS của Ukraine được cho là bị phá hủy là đúng, rất có thể đây lại là một điềm báo khác về việc Ukraine gặp thêm nhiều khó khăn hơn nữa vào năm 2024.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm