Nga tiết lộ thời điểm đưa "rồng lửa" S-500 vào trực chiến
(Dân trí) - Một quan chức cấp cao Nga đã tiết lộ thời điểm hệ thống phòng không S-500 của nước này sẽ được đưa vào thử nghiệm và thời gian mà tổ hợp uy lực dự kiến vào biên chế quân đội Nga.
Sputnik dẫn thông báo của Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko cho hay các cuộc thử nghiệm sơ bộ S-500 sẽ bắt đầu vào năm 2020 và việc bàn giao tổ hợp phòng không uy lực này cho quân đội Nga dự kiến sẽ vào năm 2025.
“Năm tới, Nga có kế hoạch tiến hành các cuộc thử với hệ thống phòng không S-500 và tổ hợp được sản xuất đầu tiên theo kế hoạch sẽ được bàn giao vào năm 2025”, ông Krivoruchko cho biết.
Các thông số kỹ thuật của S-500 tới nay vẫn đang nằm trong vòng bí ẩn. Quá trình sản xuất S-500 đã bắt đầu hồi đầu năm nay và quân đội đang tiến hành các cuộc thử nghiệm. Quá trình sản xuất hàng loạt S-500 dự kiến khởi động vào nửa sau năm 2020.
Hồi giữa năm nay, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nga Denis Manturov cho biết việc phát triển S-500 đã bước vào giai đoạn cuối sau khi mỗi thành phần của tổ hợp đã được thử nghiệm trong các cuộc thử riêng rẽ. Khi đó, ông Manturov nói rằng Nga đang tập trung vào việc xem xét và thử nghiệm năng lực tác chiến của S-500 khi tích hợp các bộ phận vào với nhau trong một hệ thống hoàn chỉnh.
S-500 là biến thế mới nhất của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa được phát triển bởi nhà thầu quốc phòng hàng đầu nước Nga Almaz-Antey. Các đặc điểm của hệ thống này vẫn đang được giữ bí mật, tuy nhiên theo các nguồn tin quốc phòng và từ đơn vị chế tạo, S-500 sẽ được củng cố và nâng cấp vượt trội khả năng phòng thủ so với người tiền nhiệm S-400 SAM.
Tổ hợp này được cho có thể đánh chặn tên lửa hành trình tầm trung, tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh bay với tốc độ lên tới 5 Mach, cũng như tên lửa đạn đạo liên lục địa trong giai đoạn cuối. S-500 sẽ được trang bị tên lửa có khả năng bay tới quỹ đạo tầm thấp của trái đất, giúp nó có thể trở thành vũ khí chống vệ tinh và đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa ở giai đoạn giữa.
RIA Novosti dẫn lời Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Tập đoàn quốc phòng Almaz-Antey Sergei Druzin cho biết “rồng lửa” S-500 Prometheus có khả năng đán các mục tiêu “nằm ngoài khí quyển trái đất, nơi không thể kiểm soát được yếu tố khí động học”.
Điểm mang lại sự khác biệt cho S-500 là hệ thống radar. Mỗi loại mục tiêu như máy bay, vệ tinh, tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo đều được kiểm soát bởi các radar thiết kế riêng theo đặc tính của từng loại khí tài. Tương ứng với đó, mỗi mục tiêu sẽ có cách đánh chặn riêng.
Theo National Interest, S-500 dự kiến sẽ được trang bị radar quản lý chiến đấu 91N6A(M), radar thu thập thông tin 96L6-TsP phiên bản cải tiến và radar đa chế độ 76T6 cũng như radar chuyên dụng chống tên lửa đạn đạo 77T6. Tất cả các hệ thống này sẽ được tích hợp trong một hệ thống hợp nhất, giúp S-500 "săn mồi" tốt hơn.
Đức Hoàng
Theo Sputnik