Nga tấn công dồn dập, san phẳng loạt kho tên lửa Ukraine
(Dân trí) - Nga cho biết một số tên lửa hành trình và đạn pháo làm từ uranium nghèo do phương Tây cung cấp cho Ukraine đã bị phá hủy trong một loạt cuộc tấn công.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong tuần qua, các lực lượng Nga đã tiến hành 12 cuộc tấn công theo nhóm nhằm vào các mục tiêu khác nhau của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các mục tiêu bao gồm các cơ sở sửa chữa máy bay và xe bọc thép của Ukraine, nhà máy lọc dầu, kho đạn dược và vũ khí do nước ngoài sản xuất, trung tâm huấn luyện cho những nhóm tấn công và nơi ở của lính đánh thuê nước ngoài.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, các tên lửa và máy bay không người lái tầm xa, có độ chính xác cao, được phóng từ mặt đất và trên không đã được triển khai trong các cuộc tấn công.
"Hậu quả của các cuộc tấn công là hệ thống hậu cần của lực lượng vũ trang Ukraine, hoạt động ở hướng Kherson và Zaporizhia, đã bị thiệt hại đáng kể", Bộ Quốc phòng Nga xác nhận.
"Một phần kho tên lửa hành trình và đạn uranium nghèo do các nước phương Tây cung cấp cho Kiev đã bị phá hủy", Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đồng thời tuyên bố các hệ thống pháo phóng loạt và hệ thống phòng không do nước ngoài sản xuất cũng bị tấn công.
Ukraine đã nhận được tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow/SCALP-Eg từ Anh và Pháp vào đầu năm nay. Loại vũ khí này đã được Kiev sử dụng để tấn công các mục tiêu của Nga, bao gồm những mục tiêu ở Crimea.
Theo Sky News, tên lửa Storm Shadows đã được triển khai trong cuộc tấn công của Ukraine vào trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga ở thành phố Sevastopol hôm 22/9. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 5 tên lửa Ukraine đã bị lực lượng phòng không bắn hạ, nhưng các mảnh tên lửa sau đó đã làm hư hại tòa nhà Hạm đội Biển Đen và gây ra hỏa hoạn. Một binh sĩ được thông báo mất tích sau vụ tấn công.
Mục tiêu của tên lửa Storm Shadow là các cơ sở hạ tầng kiên cố và các mục tiêu di động hoặc cố định của đối phương. Anh kỳ vọng vũ khí này có thể giúp Ukraine "thay đổi cuộc chơi" trong chiến sự với Nga.
Với tầm bắn 250-300km, tên lửa Storm Shadow có khả năng tấn công vượt xa các hệ thống vũ khí mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine, bao gồm các phiên bản của hệ thống đạn dẫn đường tấn công trực tiếp (JDAM) hoặc hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS.
"Đây là quảng cáo tốt nhất cho vũ khí của chúng ta, những vũ khí đó đã nhắm trúng mục tiêu. Vì lý do nào đó, phòng không của Nga không thể chống đỡ, rất nhiều lần và sẽ tiếp tục như vậy", người phát ngôn Không quân Ukraine Yuriy Ihnat tuyên bố.
Anh cũng cung cấp cho Ukraine đạn uranium nghèo kể từ tháng 3. Loại đạn gây tranh cãi này sẽ được sử dụng trên xe tăng Challenger 2 mà London cấp cho Kiev. Trong khi đó, Mỹ thông báo xe tăng Abrams M1, loại khí tài dự kiến được chuyển cho Ukraine trong những tuần tới, cũng sẽ được trang bị đạn uranium nghèo.
Khi viện trợ vũ khí cho Ukraine, các nước phương Tây đều nhấn mạnh rằng Kiev phải cam kết không sử dụng những vũ khí đó để tấn công vào lãnh thổ Nga, nhưng không đề cập đến Crimea - bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014.