Nga sử dụng công cụ tiếp tế đặc biệt trong xung đột với Ukraine
(Dân trí) - Đầu tháng này Nga đã đưa vào sử dụng một công cụ hậu cần mới trong cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine: “toa tàu không người lái” điều khiển từ xa.

Nga phát triển "toa tàu không người lái" để hỗ trợ hậu cần (Ảnh: Bulgarian Military).
Theo trang Bulgarian Military, những toa xe không người lái của Nga được triển khai theo hướng Krasnoarmeysk, chuyên chở các vật tư thiết yếu như đạn dược, nước và lương thực tới tiền tuyến.
Do Lữ đoàn Đường sắt số 37 và các đơn vị hậu cần của Tập đoàn quân Hỗn hợp Cận vệ số 51 vận hành, các nền tảng này nhằm tối ưu hóa việc vận chuyển đồng thời giảm thiểu rủi ro cho binh sĩ. Đây là bước tiến quan trọng trong cách Nga duy trì hoạt động trong vùng chiến sự.
Hướng Krasnoarmeysk hiện là điểm nóng giao tranh, nơi các tuyến tiếp vận trở nên vô cùng cấp bách. Lực lượng Nga mới đây đã tiến đến Novotoretskoye, phía đông bắc Krasnoarmeysk, đe dọa tuyến đường tiếp tế chiến lược dẫn đến Dimitrov.
Người đứng đầu chính quyền Donetsk do Nga bổ nhiệm, ông Denis Pushilin, tuyên bố rằng lực lượng Moscow đã chiếm ưu thế tại phần lớn mặt trận, cắt đứt các tuyến hậu cần của đối phương. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng nền tảng điều khiển từ xa nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nặng trong khu vực chiến sự, nơi các đoàn xe truyền thống thường bị tấn công bởi máy bay không người lái và pháo binh.
Những nền tảng này có thể vận chuyển hơn một tấn hàng hóa, di chuyển khoảng 50km trên các tuyến đường sắt có sẵn. Người điều khiển có thể vận hành từ xa, nhờ thiết kế đơn giản, ít phải bảo trì. Không giống xe tải hay tàu có người lái, các toa xe này giúp giảm thiểu thiệt hại do đối phương tấn công, một vấn đề nghiêm trọng khi Ukraine nhắm mục tiêu hệ thống hậu cần Nga. Chúng được loại bỏ cảm biến phức tạp giúp giảm chi phí và tránh bị tấn công điện tử.
Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của hệ thống này là sự phụ thuộc vào tuyến đường cố định rất dễ bị phá hoại. Ukraine đã nhiều lần phá hoại đường sắt Nga, trong đó có cuộc tấn công vào tháng 12/2023 nhắm vào đường hầm Severomuysky ở vùng Viễn Đông gây gián đoạn nhiều tuần.
Không có cảm biến, các toa xe không thể tự phát hiện vật cản hay đường ray bị hư hỏng. Người điều khiển phải phụ thuộc vào thông tin tình báo từ máy bay không người lái hoặc lực lượng mặt đất.
Một nhược điểm khác là hệ thống này rất khó triển khai ở vùng núi, đô thị hoặc rừng rậm.
Bất chấp những hạn chế như trên, trong ngắn hạn, đoàn tàu không người lái được cho là đang tạo ra khác biệt cho hoạt động hậu cần của Nga tại Krasnoarmeysk. Nó có thể trở thành hình mẫu cho hậu cần quân sự trong tương lai: nơi mà sự đơn giản và khả năng phục hồi quan trọng không kém gì công nghệ tiên tiến.