Nga sẽ lập căn cứ không quân tại Belarus, vươn tầm ảnh hưởng quân sự
(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ việc thiết lập một căn cứ không quân Nga tại quốc gia láng giềng Belarus, trong động thái mới nhất của Mátxcơva nhằm tăng cường sức mạnh quân sự ở nước ngoài.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 19/9, nhà lãnh đạo Nga cho biết ông đã nhất trí với một đề xuất của chính phủ nhằm ký thỏa thuận về một căn cứ không quân. Ông Putin nói đã yêu cầu giới chức ngoại giao và quốc phòng khởi động các cuộc đàm phán với Belarus. Kế hoạch này dự kiến không gặp phải các trở ngại lớn.
Tuyên bố trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga và phương Tây đang ở mức căng thẳng do sự can thiệp của Mátxcơva tại Ukraine và Syria. Kế hoạch cũng cho thấy mong muốn của Kremlin nhằm giữ Belarus trong quỹ đạo địa chính trị của mình.
Ý tưởng thành lập một căn cứ không quân tại Belarus đã được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tiết lộ vào năm 2013 và sau một thỏa thuận hồi năm 2009, trong đó Nga và Belarus nhất trí bảo vệ không phận và biên giới chung.
Giới chức Nga cho biết căn cứ mới có thể được sử đụng để đồn trú các máy bay chiến đấu Su-27. Nga đã có một số máy bay chiến đấu tại Belarus, nhưng đây có thể là một căn cứ quân sự toàn diện đầu tiên được đặt tại đó kể từ khi Liên Xô tan rã.
Châu Âu để mắt
Belarus giáp Ukraine và 3 thành viên của liên minh châu Âu và NATO: Lithuania, Latvia và Ba Lan (Ảnh: sickchirpse)
Việc Nga định thành lập một căn cứ không quân tại Belarus chắc chắn sẽ khiến Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic lo ngại. Belarus là một vị trí lý tưởng cho Nga bởi nước này giáp Ukraine và 3 thành viên của liên minh châu Âu và NATO: Lithuania, Latvia và Ba Lan.
Việc thiết lập một căn cứ tại Belarus có thể là dấu hiệu cho thấy Nga và phương Tây sẽ không nương tay cho việc thâm nhập vào vùng ảnh hưởng truyền thống của mỗi bên.
Nga đã thu hẹp sự hiện quân sự ở nước ngoài, đóng cửa các căn cứ ở những đồng minh xa xôi thời Chiến tranh Lạnh như tại Cuba.
Tuy nhiên, một căn cứ hải quân của Nga tại Tartus, Syria gần đây đã thu hút sự chú ý của thế giới khi Mátxcơva tăng cường sự hiện diện của các binh sĩ, trong một động thái được xem là nhằm đẩy mạnh ảnh hưởng chính trị trong khu vực.
Nga đã có các căn cứ quân sự tại Kyrgyzstan và Armenia, đều từng thuộc Liên Xô cũ và là thành viên của Liên minh kinh tế Á-Âu - giống Belarus - mà ông Putin xem là "phôi thai" của một khối địa chính trị mới.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, tại vị từ năm 1994, được xem là một đồng minh lâu năm của Nga. Ông Lukashenko và Tổng thống Putin vừa gặp nhau tại thành phố Sochi, miền nam nước Nga, hôm 18/9.
An Bình
Theo AFP, AP