1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga sẽ “đáp trả quân sự” hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu

(Dân trí) - Nga có thể thực thi các biện pháp "mang tính quân sự" nếu những phản đối của Mátxcơva đối với hệ thống phòng thủ tên lửa đã được lên kế hoạch của NATO không được lưu ý - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trên nhật báo Serbia phát hành ngày 1/11.

  
Nga sẽ “đáp trả quân sự” hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu - 1
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo NATO về hệ thống phòng thủ tên lửa.

Các cuộc đàm phán giữa Nga và NATO về hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu rơi vào bế tắc vì phương Tây không muốn cung cấp cho Mátxcơva một đảm bảo pháp lý rằng hệ thống này không nhằm chống Nga.

Bất chấp phản đối của Mátxcơva, Mỹ và NATO vẫn đang tiếp tục triển khai các thành phần thuộc hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu. Nga kiên quyết yêu cầu cung cấp đảm bảo pháp lý là hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu này không có hướng chống lại Liên bang Nga.

“Nếu trong tương lai, các đối tác tiếp tục phớt lờ quan điểm của chúng tôi, chúng tôi sẽ bảo vệ các lợi ích của mình bằng các cách khác và vì vậy, các biện pháp cụ thể có thể là một sự đáp trả mang tính quân sự”, ngoại trưởng Nga nói khi trả lời phỏng vấn tờ Vecernje Novosti.

“Chúng tôi không mong muốn một diễn tiến như vậy”, ông nói thêm.

Ông Lavrov đưa ra tuyên bố trên ngụ ý đến thoả thuận ký hồi trung tuần tháng 9 giữa Mỹ và nước láng giềng của Serbia là Romania, theo đó Romania sẽ cho Mỹ triển khai trên lãnh thổ nước này hệ thống đánh chặn tên lửa.

"Thoả thuận này là sự kiện nữa chứng tỏ Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa mà không quan tâm đến các mối quan ngại của Nga."

Hôm 31/10, ông Lavrov từng tuyên bố tại Mátxcơva rằng Nga muốn phá vỡ bế tắc quanh vấn đề tấm chắn tên lửa ở châu Âu bằng việc tổ chức cuộc đối thoại giữa Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Mỹ Barack Obama.

Vài ngày trước đó, ông khẳng định các dự án thuộc khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO phát triển có kết quả, nhưng vấn đề phòng thủ tên lửa vẫn không được giải quyết.

Chính quyền Mỹ nhiều lần nêu rằng, Hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu không nhằm chống lại Nga và sự hợp tác về phòng thủ tên lửa sẽ có lợi cho cả Mỹ cũng như NATO và Nga.

Đối với Mátxcova, một yếu tố nguyên tắc ở đây là các bảo đảm cần được ấn định bằng văn bản chính thức. Còn NATO khuyến khích chỉ cần tin vào tuyên bố của họ.

Trà Giang
Theo DAWN, RIA