Nga ra điều kiện rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus
(Dân trí) - Nga chỉ cân nhắc rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus khi Mỹ hành động tương tự với vũ khí hạt nhân mà họ triển khai ở châu Âu.
Phát biểu với truyền thông ngày 20/6, ông Alexei Polishchuk, một quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho biết quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus là quyết định bất đắc dĩ của Moscow để đáp trả chính sách gây hấn của Mỹ và NATO.
Ông Polishchuk cho biết thêm, khi các chi tiết trong thỏa thuận giữa Moscow - Minsk được bàn thảo, hai bên đã xem xét "những hoạt động phá hoại kéo dài nhiều năm" trong sứ mệnh hạt nhân chung của các quốc gia thành viên NATO.
Tuy nhiên, ông Polish nhấn mạnh "không giống những đầu đạn của Mỹ đặt ở châu Âu", vũ khí của Nga sẽ được đặt gần biên giới Nga và trên lãnh thổ của Nhà nước Liên minh Nga - Belarus.
Ông cho biết, về lý thuyết, Nga có thể rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi lãnh thổ Belarus, nhưng Moscow sẽ chỉ làm điều đó khi Mỹ loại bỏ cơ sở hạ tầng hạt nhân ở châu Âu.
"Tất nhiên, một bước đi như vậy của chúng tôi (rút vũ khí hạt nhân khỏi Belarus) đòi hỏi Mỹ phải đưa toàn bộ vũ khí hạt nhân của họ trở về, dỡ bỏ tất cả hạ tầng liên quan ở châu Âu", ông Polishchuk nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Belarus ngày 25/5 đã ký thỏa thuận cho phép triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ nước láng giềng Belarus. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Moscow vẫn duy trì kiểm soát và quyền ra quyết định đối với những vũ khí này và tuân thủ tất cả các nghĩa vụ pháp lý quốc tế hiện hành.
Cuối tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo, những vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên của Nga đã được triển khai ở Belarus.
"Những đầu đạn hạt nhân đầu tiên đã được chuyển vào lãnh thổ Belarus. Đây mới là giai đoạn đầu tiên của kế hoạch. Chúng tôi sẽ hoàn tất trước mùa thu hoặc cuối năm nay", chủ nhân Điện Kremlin cho hay.
Nói về học thuyết hạt nhân của Nga, ông Putin nhấn mạnh: "Vũ khí hạt nhân được tạo ra để đảm bảo an ninh của chúng tôi theo nghĩa rộng nhất, cũng như sự tồn vong của nước Nga. Hiện tại, Nga thấy không cần thiết sử dụng vũ khí hạt nhân".
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng khẳng định, Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân vì mục đích phòng vệ. "Việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ tình huống bất thường nào nằm ngoài chính sách này đều sẽ không được xét đến", bà Zakharova nêu rõ.
Phản ứng trước việc vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga triển khai ở Belarus, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo dõi sát tình hình và cam kết bảo vệ từng tấc đất NATO.
Tổng thống Biden hôm 19/6 cảnh báo, việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là mối đe dọa có thật.
"Hai năm trước, khi tôi nói rằng tôi lo ngại về việc sông Colorado đang bị khô cạn, tất cả mọi người nhìn tôi như thể tôi là gã điên. Họ cũng nhìn tôi như vậy khi tôi nói tôi lo ngại về việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Điều đó là thật", ông Biden phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử ở California.