1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga phóng tên lửa đánh chặn, bất chấp cảnh báo của Mỹ

(Dân trí) - Binh chủng Phòng không-Vũ trụ Liên bang Nga ngày 9/6 phóng thử thành công một hệ thống lá chắn chống tên lửa tầm ngắn trong bối cảnh Mỹ liên tục cảnh báo về ý định triển khai tên lửa đạn đạo ở châu Âu để đối phó với Mátxcơva.

Hệ thống tên lửa có độ chính xác cao Iskander của Nga. (

Hệ thống tên lửa có độ chính xác cao Iskander của Nga. (RIA Novosti)

Hãng Tass hôm qua dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Vào lúc 11h32 ngày 9/6, Binh chủng Phòng không - Vũ trụ Liên bang cùng các lực lượng hỗ trợ đã thực hiện thành công vụ bắn thử nghiệm tên lửa tầm ngắn”.

"Vụ phóng nhằm củng cố khả năng của lá chắn tên lửa hoạt động trong Lực lượng Quốc phòng Hàng không vũ trụ", Bộ Quốc phòng Nga hôm qua thông báo.

Trung tướng Sergei Lobov, phó Tư lệnh Lực lượng quốc phòng hàng không vũ trụ, nhận định:  “Một tên lửa của lá chắn phòng vệ tên lửa đã thực hiện nhiệm vụ thành công và phá hủy một mục tiêu mô phỏng theo thời điểm đã định". 

Ông Lobov cũng cho biết, việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa đã cải thiện đáng kể lá chắn tên lửa của Nga, mở rộng khả năng chiến đấu của hệ thống phòng thủ tên lửa nước này.

Theo Tass, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua cũng lưu ý rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mátxcơva có thể chống lại tất cả các tên lửa đạn đạo chiến lược thế hệ mới của các quốc gia trên thế giới.

IB Times nhận định vụ phóng thử diễn ra khi chính phủ Mỹ đang cân nhắc có những biện pháp quyết liệt, như triển khai các tên lửa trên mặt đất ở châu Âu, vì cho rằng Nga vi phạm hiệp ước vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.

Hãng tin AP cuối tuần trước dẫn một báo cáo của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey cho biết, Washington đang cân nhắc triển khai thêm tên lửa tại châu Âu để có thể tấn công phủ đầu các mục tiêu tại Nga. 

AP đánh giá đây là sự đáp trả sau khi Nga bị Mỹ cáo buộc vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được Nga và Liên Xô ký kết từ thời Chiến tranh Lạnh (năm 1987).

Hồi tháng 7 năm ngoái, Washington đã đưa ra cáo buộc này sau khi cho rằng Mátxcơva đã phóng thử một tên lửa đạn đạo phóng từ đất liền có tầm bắn từ 500 đến 5.500km, tầm bắn nằm trong giới hạn bị cấm theo hiệp ước INF. 

Trước kế hoạch triển khai các tên lửa hành trình tầm trung có thể mang đầu đạn hạt nhân tới châu Âu và châu Á nhằm vào lãnh thổ Nga của Mỹ, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov đã có phản ứng chính thức.

"Dường như Mỹ nêu ra “sự vi phạm của Nga” nhằm hợp pháp hóa hành động của mình. Bề ngoài, đây là một phản ứng quân sự nhằm đảo bảo sự 'lãnh đạo' của Mỹ để đối đầu với cái gọi là mối đe dọa quân sự từ Nga. Đây là một ý tưởng hoang đường do Washington nghĩ ra …", RT dẫn lời ông Antonov.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga cũng yêu cầu Mỹ bình luận chính thức về thông tin trên. Ông nhận định nếu đó là là sự thật, động thái này của Lầu Năm Góc sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm.
 
Thoa Phạm 
Theo Tass, AP, BI