Nga, Pháp tiếp tục găng nhau trong vụ tàu chiến Mistral
(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua cảnh báo danh tiếng của Pháp sẽ bị tổn hại nếu Paris không bàn giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga theo đúng hợp đồng đã ký. Đáp lại , Paris khẳng định việc bàn giao có khả năng sẽ không bao giờ diễn ra.
Ngoại trưởng Lavov cảnh báo Pháp sẽ mất danh tiếng nếu hủy hợp đồng tàu chiến với Nga.
Ông Lavrov đưa ra tuyên bố trên bên lề Hội nghị Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tại Thụy Sĩ.
“Việc Pháp không bàn giao đúng hạn tàu chiến lớp Mistral không còn là vấn đề của Nga mà liên quan đến danh tiếng của Pháp”, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.
Ông Lavov yêu cầu Pháp phải thực hiện tất cả các nghĩa vụ được nêu trong hợp đồng đã ký giữa hai bên, đồng thời khẳng định phương Tây đã sai lầm khi đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo hợp đồng ký năm 2011, Pháp sẽ bán cho Nga 2 tàu chiến chở trực thăng hiện đại lớp Mistral với tổng giá trị 1,5 tỷ USD. Chiếc đầu tiên phải được bàn giao chậm nhất vào ngày 14/11/2014 và chiếc thứ hai được bàn giao sau đó một năm. Tuy nhiên, đến nay Paris vẫn trì hoãn bàn giao tàu chiến “vô thời hạn” với lý do Mátxcơva không có những bước đi cụ thể trong việc ngăn chặn xung đột ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, lý do mà Pháp đưa ra không hề được quy định trong hợp đồng tàu chiến. Do đó, nếu phá vỡ hợp đồng, Paris sẽ phải trả tiền đền bù lên tới 3 tỷ USD.
Bất cấp những thiệt hại về kinh tế và cảnh báo của phía Nga về việc Pháp sẽ bị mất thanh danh nếu phá vỡ hợp đồng, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian vẫn cương quyết khẳng định 2 tàu chiến Mistral mà Nga đặt hàng có khả năng không bao giờ được chuyển giao.
“Việc chuyển giao tàu Mistral cho Nga có khả năng sẽ không bao giờ diễn ra nếu tình hình ở Ukraine không thay đổi”, ông Drian tuyên bố trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình BFM.
Ông nhấn mạnh phía Nga phải nhận ra điều này, đồng thời tái khẳng định quan điểm của Paris về việc chỉ giao tàu chiến cho Nga khi có một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở miền Đông Ukraine và một thỏa thuận chính trị ở quốc gia Đông Âu này.
Ukraine trở thành tâm điểm của cuộc đối đầu Đông - Tây do quốc gia này nằm ở vị trí kẹp giữa Nga và châu Âu. Trong khi Nga muốn Ukraine giữ vị trí trung lập thì ban lãnh đạo Kiev lại muốn ngả sang phương Tây thông qua việc hội nhập với Liên minh châu Âu (EU) và gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Vũ Anh
Theo AFP