1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga phản đối đóng băng xung đột, nêu cách duy nhất cho hòa bình ở Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga tuyên bố Moscow kiên quyết phản đối mọi phương án đóng băng xung đột ở Ukraine.

Nga phản đối đóng băng xung đột, nêu cách duy nhất cho hòa bình ở Ukraine - 1

Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin (Ảnh: Reuters).

"Nga kiên quyết phản đối mọi đề xuất đóng băng xung đột, dù theo kịch bản bán đảo Triều Tiên hay bất kỳ phương án nào khác", Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin tuyên bố hôm 26/11.

Trước đó, một số đề xuất giải quyết xung đột đã được đưa ra, trong đó có đề xuất Nga - Ukraine đình chiến theo mô hình của bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc và Triều Tiên đã ký thỏa thuận đình chiến sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Tuy nhiên, hai nước vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình, do vậy vẫn bị coi là đang ở trong tình trạng chiến tranh.

"Chúng tôi cần một nền hòa bình lâu dài và bền vững trong nhiều năm tới. Trước hết và quan trọng nhất, điều này phải được đảm bảo cho chúng tôi, cho nước Nga, cho người dân của chúng tôi. Nhưng nền hòa bình này cũng phải được đảm bảo cho toàn bộ lục địa châu Âu", ông Naryshkin nói thêm.

Người đứng đầu SVR khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán. Ông cũng nhắc lại rằng, cách duy nhất để đảm bảo hòa bình là loại bỏ những nguyên nhân gốc rễ gây ra xung đột ở Ukraine.

Hồi tháng 9, khi chỉ ra những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến xung đột ở Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đề cập đến mối đe dọa đối với an ninh của Nga từ phương Tây, vốn tìm cách kéo Ukraine vào khối quân sự của mình. Một nguyên nhân khác của cuộc xung đột là sự phân biệt đối xử với cộng đồng nói tiếng Nga, bao gồm thông qua luật cấm sử dụng tiếng Nga, theo ông Lavrov.

Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần tuyên bố Moscow sẵn sàng đàm phán và thương lượng, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng "bất kỳ phương án nào để đóng băng cuộc xung đột này đều sẽ không thể chấp nhận được đối với Nga".

Quan chức Điện Kremlin cũng nói rằng "điều quan trọng đối với Nga là đạt được các mục tiêu của mình, mà mọi người đều biết rõ những mục tiêu này".

Moscow đã tuyên bố các mục tiêu chính của Nga khi mở chiến dịch quân sự bao gồm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, cũng như đảm bảo rằng Kiev cam kết trung lập về mặt pháp lý và từ bỏ hy vọng gia nhập NATO.

Người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng Tổng thống Putin cũng đã nhiều lần nêu ra các điều kiện để chấm dứt chiến sự và các bước này là "những gì cần phải làm để chấm dứt giao tranh".

Vào tháng 6, Tổng thống Putin đã đưa ra một danh sách các điều kiện để bắt đầu đàm phán ngay lập tức với Kiev, bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Ukraine khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập, bao gồm Donetsk và Lugansk (còn gọi là Donbass), cũng như các vùng Kherson và Zaporizhia.

Mặc dù Nga tuyên bố sáp nhập toàn bộ 4 tỉnh trên, nhưng thực tế đến nay mới kiểm soát khoảng 70-80% diện tích lãnh thổ các vùng này.

Trong cuộc điện đàm gần đây với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Putin nhắc lại rằng Moscow vẫn cởi mở trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng ông cho biết Kiev đang từ chối đàm phán.

Theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng Ukraine là "kết quả trực tiếp của chính sách gây hấn lâu đời của NATO nhằm tạo ra một bàn đạp chống Nga trên lãnh thổ Ukraine, trong khi phớt lờ lợi ích của Nga trong lĩnh vực an ninh và làm suy yếu quyền của người dân nói tiếng Nga".

Tổng thống Putin nhấn mạnh bất kỳ giải pháp tiềm năng nào giữa Moscow và Kiev chắc chắn sẽ phải tính đến lợi ích an ninh của Nga, thừa nhận thực tế lãnh thổ mới và "loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột".

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm