Nga ngầm đổ lỗi cho Mỹ vụ rơi trực thăng chở Tổng thống Iran
(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến an toàn hàng không trở nên tồi tệ hơn.
"Mỹ phủ nhận điều này, nhưng sự thật là các quốc gia mà Mỹ tuyên bố trừng phạt không nhận được phụ tùng thay thế cho các thiết bị của Mỹ, bao gồm cả ngành hàng không", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói hôm 21/5 khi bình luận về vụ tai nạn trực thăng khiến Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thiệt mạng vào cuối tuần trước.
"Chúng ta đang nói về việc cố tình gây thiệt hại cho dân thường sử dụng những phương tiện này. Việc thiếu phụ tùng thay thế liên quan trực tiếp đến việc giảm mức độ an toàn", ông Lavrov nói thêm.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và một số quan chức Iran khác, bao gồm Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian, đã thiệt mạng khi trực thăng chở đoàn quan chức cấp cao bị rơi ở tỉnh miền núi ở tây bắc Iran vào cuối tuần trước.
Theo hãng thông tấn Iran IRNA, trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất bị rơi do "lỗi kỹ thuật", trong khi hoạt động cứu hộ bị cản trở bởi điều kiện thời tiết bất lợi, bao gồm sương mù và mưa.
Trước cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran là khách hàng lớn của mẫu trực thăng Bell, tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc chính xác của chiếc Bell 212 đã gặp nạn khi chở cố tổng thống Iran.
Hàng chục năm bị trừng phạt khiến Iran gặp khó khăn trong việc mua các bộ phận hoặc nâng cấp máy bay của nước này.
Cựu Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng cho rằng, bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành hàng không của Iran, Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn.
Theo một số nhà quan sát Iran, các lệnh trừng phạt quốc tế trong nhiều thập niên khiến phi đội máy bay của Iran bị suy yếu và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch hôm 19/5.
Iran đã phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Trong đó, các biện pháp trừng phạt kéo dài suốt nhiều thập niên của Mỹ đã ngăn cản Iran mua máy bay và phụ tùng mới của phương Tây.
Sanam Vakil, chuyên gia về Trung Đông tại Chatham House, nhóm nghiên cứu có trụ sở tại London, cho biết ngành hàng không Iran từ lâu đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt.
"Iran đã chứng kiến rất nhiều sự cố hàng không, không chỉ trực thăng mà cả các vụ tai nạn máy bay, và tôi nghĩ điều này chắc chắn liên quan đến các lệnh trừng phạt", bà Vakil nhận định.
Bà Vakil nói rằng mặc dù bà không có thông tin chi tiết về các tình huống xung quanh vụ tai nạn hôm 19/5, nhưng các thông tin được công bố cho thấy hai trong số các nhà lãnh đạo hàng đầu của Iran, gồm tổng thống và ngoại trưởng, đã ngồi trên một trực thăng cũ kỹ.
Chính quyền Iran đã cố gắng tăng cường sản xuất trong nước và cung cấp các bộ phận máy bay phù hợp để đối phó với các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các phụ tùng công nghệ cao quan trọng trong ngành hàng không có thể khó chế tạo trong nước.