1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga - Mỹ vỡ mộng về nhau

Chẳng khác nào một đôi vợ chồng già, Nga và Mỹ dường như ngày càng dành nhiều thời gian cho chuyện cãi vã về những mâu thuẫn, chứ không quan tâm xây dựng các mối quan tâm chung.

Dù là chuyện gì đi nữa, từ chương trình hạt nhân của Iran hay việc Hamas đắc cử ở Palestine, đến các cuộc cách mạng màu sắc ở không gian Liên Xô cũ, Moscow và Washington ngày càng lườm nguýt nhau mạnh hơn qua cái hàng rào đang ngăn cách hai bên.

 

Chiến tranh Lạnh lùi xa đã lâu, nhưng nhiều câu hỏi vẫn tồn tại: Liệu Nga và Mỹ có thể học cách chung sống cùng sự khác biệt của nhau? Hay họ cứ xung đột trong các vấn đề cần có sự quan tâm chung của đôi bên.

 

Vừa tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tố cáo Mỹ dựng lên những rào cản ngăn chặn việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong khi các nhà đàm phán song phương còn tranh cãi về những bất đồng, thì nhà lập pháp Konstantin Kosachev tuyên bố rằng mục tiêu của Mỹ không nhằm làm chậm quá trình thỏa thuận, mà chẳng qua muốn để Ukraine có được thế thượng phong khi Kiev đàm phán với Nga về WTO.

 

Trước đó một tuần là đến phiên Washington than phiền, rằng Moscow đã cung cấp thông tin tình báo về chiến dịch quân sự của Mỹ cho chính quyền Saddam Hussein hồi năm 2003.

 

Nga lập tức phản bác và còn bực tức chỉ ra rằng chính phía Mỹ đã không nói riêng về chuyện này với Moscow trước khi vung vãi thông tin lên báo chí.

 

Những cuộc đấu khẩu này làm trầm trọng hơn mối quan hệ có chiều hướng đi xuống, sau một thời kỳ trăng mật giữa hai cường quốc sau sự kiện 11/9. Khi đó, Tổng thống Mỹ Bush từng tuyên bố ông cảm nhận tinh thần của Putin khi nhìn sâu vào mắt ông, trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai người. "Mối tình" càng được củng cố với việc Nga chấp nhận và ủng hộ sự hiện diện của Mỹ ở Trung Á trong cuộc chiến chống khủng bố.

 

"Luôn có bất đồng giữa hai bên, nhưng họ đã xếp chúng lại để có thẻ cùng chia sẻ những mối quan tâm: giải trừ vũ khí hạt nhân, nỗi vui mừng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cuộc chiến chống khủng bố. Những điều này đẩy các bất đồng xuống hàng thứ yếu", Ivan Safranchuk, trưởng văn phòng tại Moscow của Trung tâm thông tin quốc phòng có trụ sở ở Washington phân tích. "Nhưng trong thời kỳ hữu hảo, Nga và Mỹ đã không tạo ra được các cơ chế vững chắc để giải quyết các vấn đề".

 

Trong khi đó, ảnh hưởng của Nga đối với thế giới đang ngày càng lớn dần, thách thức độc tôn của Mỹ. Moscow đã đóng vai trò trung tâm trong các cuộc thương thượng về chương trình hạt nhân của Iran; vai trò là nhà trung gian với Hamas - điều chứng tỏ rằng Washington phải cần đền Moscow, thậm chí trong cả những vấn đề mà Mỹ có quan điểm trái ngược hẳn với Nga.

 

Trục Bắc Kinh - Moscow ngày càng mạnh cũng khiến Mỹ đau đầu, và có thể là một trong những nguyên nhân nằm sau nhiều lời chỉ trích từ Washington nhằm vào Nga.

 

Nhân tố chủ đạo dẫn dắt quan hệ Nga và Mỹ hiện nay là cảm giác vỡ mộng, Safranchuk nhận xét, và cội nguồn của tình trạng này là do "bất hòa về khái niệm". Moscow cho rằng Washington đã vô ơn, sau khi nhận sự trợ giúp nồng nhiệt của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11/9.

 

Một điều khiến Nga thấy nghịch mắt nữa là họ không thể hiểu vì sao Bush không thuyết phục được Quốc hội Mỹ dỡ bỏ điều luật bổ sung Jackson-Vanik, trong khi Ukraine lại hưởng đặc ân này và đang trên đường tiến rất gần đến WTO.

 

Những bất hòa tương tự cũng khiến các sợi dây kinh tế nối hai bên trở thành căng thẳng, một phần vì Nga muốn chính phủ Mỹ nói với cộng đồng kinh doanh của họ về những điều cần cam kết, Andrew Somers, trưởng Phòng thương mại Mỹ ở Moscow, nhận định.

 

Chẳng hạn, Mỹ muốn Nga phát triển ngành khí hóa lỏng để Washington có thể giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông, nhưng Moscow muốn được đảm bảo có thể bán được hàng sau khi đã đổ tiền tỷ vào các dự án đó.

 

"Người Mỹ nói 'rằng bây giờ chúng tôi không thể đảm bảo điều đó cho Nga được, nhưng các anh yên tâm đi. Hãy nhìn số liệu dự đoán về Mỹ trong 20 năm tới. Chúng tôi hết dầu, chúng tôi hết khí, chúng tôi quá phụ thuộc vào những quốc gia bất ổn, chúng tôi sẽ cần hàng của Nga", Sommers đưa ra ví dụ. "Rồi người Nga nói 'OK, vậy thì tôi nói chuyện với Trung Quốc'".

 

Mỹ là một trong ba nước - gồm Australia và Colombia - chưa kết thúc đàm phán gia nhập WTO với Nga. Putin theo dõi tốc độ rùa của quá trình đàm phán và thấy rằng điều đó ảnh hưởng xấu đến tham vọng của ông đưa Nga trở lại vị trí trung tâm trên chính trường thế giới.

 

"Ông ấy muốn có một sự chứng thực của cộng đồng quốc tế rằng Nga là một quốc gia mà bạn có thể buôn bán làm ăn ... còn Mỹ thì muốn ngăn cản chuyện đó", Roland Nash, trưởng bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng đầu tư Renaissance Capital tại Moscow, phát biểu.

 

"Tôi nghĩ chẳng có gì khác ngoài cảm giác vỡ mộng".

 

Theo T. Huyền

Vnexpress/AP