1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga, Mỹ từng suýt xung đột lớn ở Syria

Minh Phương

(Dân trí) - Hai cường quốc hạt nhân từng suýt rơi vào xung đột ở Syria sau khi Moscow dọa phá hủy một căn cứ quân sự của Washington ở đây.

Nga, Mỹ từng suýt xung đột lớn ở Syria - 1

Đoàn xe quân sự Mỹ ở Syria (Ảnh: AFP).

RT ngày 25/6 dẫn nội dung cuốn sách mới ra mắt của Con Coughlin, một phóng viên báo Telegraph cho biết, căng thẳng xảy ra hồi tháng 5/2017, đúng lúc cuộc nội chiến Syria đang ở giai đoạn cao trào.

Căng thẳng bắt đầu khi Nga yêu cầu lực lượng đặc nhiệm Mỹ rút khỏi căn cứ Al-Tanf gần khu vực giao cắt giữa biên giới Syria, Iraq và Jordan, nếu không Moscow sẽ phá hủy cơ sở này.

Nga cáo buộc Mỹ cho phép các chiến binh thánh chiến di chuyển tự do xung quanh Al-Tanf. Trong khi thời điểm đó, Moscow đang hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đẩy lùi lực lượng nổi dậy do Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hậu thuẫn.

Sau cảnh báo, phía Mỹ đã tản quân đến vùng sa mạc, tuy nhiên, tướng Stephen Townsend, chỉ huy liên minh đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu ở Syria, gửi cho Nga một tối hậu thư với nội dung: "Chúng ta đàm hay đánh?".

Một tư lệnh lực lượng Nga tại Syria đáp lại: "Chúng ta sẽ đàm". Tướng Townsend sau đó nói với các chỉ huy trong liên minh rằng Moscow đã xuống nước.

Theo nội dung cuốn sách của nhà báo Telegraph, sự việc xảy ra lúc tướng Sergey Surovikin, khi đó là chỉ huy lực lượng của Nga ở Syria, nghỉ phép.

"Người thay thế ông ấy đã không tuân thủ các giao thức nghiêm ngặt đã được thỏa thuận giữa Mỹ và Nga để tránh đối đầu trực tiếp giữa hai lực lượng", cuốn sách cho biết.

Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ lâu vẫn phản đối việc Mỹ triển khai lực lượng trong lãnh thổ do phe nổi dậy kiểm soát. Mỹ đã cắt đứt quan hệ với chính phủ Damascus kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình năm 2011 ở Syria, dẫn đến một cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.

Mỹ mở chiến dịch không kích ở Syria vào tháng 9/2014, chỉ một tháng sau khi bắt đầu chiến dịch tương tự ở Iraq với tuyên bố nhằm tiêu diệt khủng bố IS.

Nga cũng cử lực lượng tới Syria theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Assad để hỗ trợ trấn áp các tổ chức khủng bố. Washington đã phản đối sự hiện diện này, cho rằng hậu thuẫn của Moscow cho chính quyền Assad làm cản trở chiến dịch chống IS của liên minh do Mỹ dẫn dắt.

Trong vài năm qua, Mỹ đã sử dụng ranh giới giảm xung đột giữa quân đội hai nước ở Syria để tránh những sai lầm hoặc vụ chạm trán không chủ ý có thể vô tình dẫn đến căng thẳng địa chính trị leo thang.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm