1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga-Mỹ “so găng” ở Syria, Trung Quốc đang đi nước cờ riêng

Đối với Trung Quốc, chiến trường Syria là cơ hội ngàn vàng để thúc đẩy kinh doanh liên quan đến tái xây dựng, cùng nhiều lợi ích kinh tế khác.

Trong khi Mỹ và đồng minh tăng cường can thiệp quân sự tại Syria, điều quân đội và khí tài hỗ trợ các phe phái đối lập tham gia cuộc chiến khốc liệt nhằm đạt được thắng lợi trước Tổng thống Syria Al Assad, thì Trung Quốc lại tính một bước đi hoàn toàn khác, đó là đổ tiền vào Syria để giành lợi thế về mặt kinh tế.


Trung Quốc đang tính toán lợi ích kinh tế tại Syria.

Trung Quốc đang tính toán lợi ích kinh tế tại Syria.

Với Bắc Kinh, chiến trường Syria là cơ hội ngàn vàng để thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh liên quan đến tái xây dựng và Trung Quốc kỳ vọng thực hiện hoài bão này nhờ sự hỗ trợ của Nga.

Toan tính của Trung Quốc khi đổ tiền vào Syria

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thời gian gần đây đã lên tiếng ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình do Nga hậu thuẫn tại Sochi và Astana. Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi các bên nhanh chóng chuyển vũ lực sang các nỗ lực ngoại giao để bình ổn Syria và khu vực Trung Đông, Bắc Kinh ngay lập tức đáp lại bằng việc kêu gọi thực hiện các kế hoạch tái thiết đầy hoài bão. Hiện nay, nhiều công ty đang xếp hàng để giành được những hợp đồng béo bở về xây dựng và khôi phục lại các thị trấn, làng mạc, cầu đường, bệnh viện, trường học đã bị phá hủy trong cuộc chiến kéo dài hơn 7 năm ở Syria.

Liên Hợp Quốc ước tính, thiệt hại do chiến tranh gây ra đối với cơ sở hạ tầng ở Syria xấp xỉ 250 tỷ USD. Trước thực trạng đó, Trung Quốc có thể là đối tác lý tưởng giúp tái thiết quốc gia Trung Đông này.

Không thể phủ nhận vai trò của Nga và Iran trong việc hỗ trợ các lực lượng của Tổng thống Assad giành được thắng lợi trên chiến trường. Nhưng để thắng lợi này trở nên toàn vẹn hơn và vai trò lãnh đạo của ông Assad trong lòng người dân được củng cố hơn thì cần phải có sự giúp sức của Trung Quốc.

Theo nhận định của Bloomberg: “Các cường quốc phương Tây không mặn mà lắm trong việc giúp tái thiết Syria sau cuộc nội chiến bởi chính quyền Tổng thống Assad đã chiến thắng”. Trái lại, Mỹ và Liên minh Châu Âu đang cố tình rút mọi khoản hỗ trợ cho Syria như một cách để gây sức ép đối với “lộ trình chuyển đổi chính trị” tại Syria. Phương Tây từng chống lưng cho các phe phái đối địch tại Syria để lật đổ Tổng thống Assad nhưng hiện nay họ đã thất bại. Và cũng vì không thể giành được thắng lợi về mặt quân sự, họ cố gắng gây sức ép với Syria bằng tài chính.

Tất nhiên, nếu luật pháp quốc tế được áp dụng một cách công bằng, Mỹ và đồng minh nên chịu trách nhiệm chi trả cho các tổn thất chiến tranh liên quan đến vai trò của họ ở Syria. Song điều đó khó có thể xảy ra và đây chính là tiêu chuẩn kép mà phương Tây vẫn áp dụng.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, theo cách nói của Đặc phái viên Nga tại Syria Alexander Lavrentiev, thì sự can dự của phương Tây trong tiến trình tái thiết Syria là không cần thiết. Bởi vì có nhiều nguồn đầu tư khác lý tưởng hơn, mà điển hình là Trung Quốc.

Sự can thiệp của Trung Quốc vào tình hình Syria hoàn toàn phù hợp với sáng kiến hội nhập kinh tế toàn cầu “Vành đai, Con đường” của nước này. Xét về mặt lịch sử, Syria là một điểm nút giao thông quan trọng trên con đường Tơ lụa bắt nguồn từ Trung Quốc xuyên qua Châu Á tới Châu Âu và Châu Phi trong nhiều thế kỷ qua. Ngày nay, vị trí của Syria với vai trò là nơi giao cắt chiến lược giữa Châu Á, Châu Âu và Châu Phi cũng không kém phần quan trọng. Bắc Kinh nhận thức rõ ràng rằng sáng kiến “Vành đai, Con đường” phụ thuộc vào sự ổn định an ninh và chính trị trong khu vực. Đó là lý do tại sao Trung Quốc xem việc đầu tư vào Syria là ưu tiên hàng đầu. Nếu không có an ninh và ổn định tại vùng Levant (ngã tư giữa Tây Á, Đông Địa Trung Hải và Đông Bắc Phi), nhiều dự án của Trung Quốc về khôi phục con đường Tơ lụa không thể thực hiện được.

Thêm vào đó, khi đầu tư vào Syria, Trung Quốc cũng sẽ được hưởng lợi nhờ mối quan hệ song phương gắn bó đã được đặt nền móng từ các chính phủ tiền nhiệm. Cũng như Nga, trong thời gian diễn ra Chiến Tranh lạnh, Trung Quốc đã gây dựng quan hệ đồng minh thân cận với Tổng thống Hafez – cha của ông Assad. Mối quan hệ này vẫn còn được duy trì đến ngày nay. Ngoài ra, Trung Quốc, giống như Nga và Iran không có những đòi hỏi giống phương Tây về yêu cầu “chuyển đổi chính trị” tại Damascus. Trung Quốc luôn giữ quan điểm rằng, người Syria phải tự quyết định tương lai của chính họ và không nên có sự can thiệp từ bên ngoài.

Liên thủ với Nga

Để giúp kỳ vọng của mình thành thực tế, Trung Quốc đang nỗ lực liên thủ với Nga. Hồi đầu tháng này, khi trả lời truyền thông Nga, đặc phái viên Trung Quốc tại Syria Xie Xiaoyan cho biết, Trung Quốc đang làm việc với Nga để thúc đẩy tiến trình chính trị tại Syria và tái thiết Syria hậu chiến tranh. Ông cho biết, sự hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc trong việc đảm bảo an ninh của Syria là một phần trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng đã củng cố trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Có nhiều phỏng đoán cho rằng, Nga và Trung Quốc đang “im hơi lặng tiếng” song hành với nhau thúc đẩy hòa bình cho Syria. Sức mạnh quân sự của Nga đóng vai trò quan trọng trong chấm dứt bạo lực tại Syria. Còn Trung Quốc đang giúp Syria giành được sự ổn định bền vững thông qua việc tái thiết cơ sở hạ tầng và phục hồi kinh tế. Mang lại hòa bình cho Syria đã trở thành một trong số các nền tảng trong kế hoạch phát triển kinh tế toàn cầu mà Trung Quốc và Nga đặt ra. Tuy nhiên, mỗi bước đi của Nga và Trung Quốc đều có những tính toán riêng. Cả hai bên theo đuổi lợi ích khác nhau từ việc xây dựng lại một quốc gia hoang tàn vì chiến tranh.

Hãng tin RT dẫn lời chuyên gia Finian Cunningham cho biết, không chỉ toan tính lợi ích tại Syria mà cả Nga và Trung Quốc đều có những mối quan ngại về an ninh khi hàng nghìn chiến binh đang tham chiến tại Syria có nguy cơ trở về quê hương. Theo ước tính có khoảng 5.000 phần tử cực đoan Uighur từ Trung Quốc đã tới chiến trường Syria. Nếu an ninh và hòa bình Syria không được đảm bảo, quốc gia Trung Đông này có thể trở thành cái nôi sản sinh các tổ chức khủng bố đe dọa toàn khu vực Á-Âu. Khi đó, không chỉ an ninh của Nga, Trung Quốc bị đe dọa mà kế hoạch kinh tế hoài bão cũng bị “tan thành mây khói”.

Chuyên gia Finian Cunningham nhận định, kế sách của Mỹ và phương Tây hòng lật đổ Tổng thống Assad đã thất bại. Cuộc chiến bất hợp pháp mà Mỹ, Anh, Pháp cùng nhiều đồng minh khác tạo ra tại Syria là một sự lãng phí nhân lực và vật lực không đáng có. Giờ đây các bên này đang cố gắng trì hoãn hòa bình Syria bằng biện pháp tài chính. Tuy nhiên, một khi Trung Quốc vào cuộc, mang theo sức mạnh to lớn về mặt kinh tế, mọi nỗ lực nhằm cô lập Syria của phương Tây sẽ trở thành vô ích. Nếu Syria đạt được hòa bình và sự ổn định thì Trung Quốc, Nga, Iran sẽ là những bên chiến thắng. Hơn nữa trục hội nhập và kết nối kinh tế này sẽ góp phần phá vỡ thế “độc tôn” của Mỹ.

Tổng thống Syria Bashar Al Assad từng nhiều lần tuyên bố rằng các nước phương Tây cùng đồng minh trong khu vực của họ như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia sẽ không có bất cứ cơ hội nào để hưởng lợi từ tương lai của Syria. Khi nói ra điều này, có lẽ ông Assad đang mong chờ một tương lai tốt đẹp hơn từ việc hướng Đông. Đó là một bức tranh toàn cảnh về hội nhập kinh tế Á-Âu, với sự ưu đãi đến từ Nga và Trung Quốc.

Hồng Anh

VOV