1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga-Mỹ lách luật, chĩa tên lửa vào nhau

Mỹ lo ngại Nga sẽ “lách luật”, tìm cách đưa các tên lửa có cánh (hành trình) mới vào biên chế, trong khi đó Nga cũng có mối lo tương tự.

Mỹ lo ngại tên lửa hành trình Nga

Tờ báo Mỹ New York Times ngày 21/10 trích dẫn các dữ liệu tình báo Mỹ cho biết, giới chức lãnh đạo nước này đang lo ngại Nga sắp tới có thể tiếp nhận và biên chế các tên lửa có cánh (tức tên lửa hành trình) mới.

Tờ báo còn dẫn nguồn tin bình luận rằng, Nga đã tiến khá xa trong việc chế tạo các tên lửa hành trình tầm trung triển khai trên mặt đất và dường như điều này đã vi phạm Hiệp ước về tên lửa tầm trung và tầm gần (INF) mà trước đây Mỹ và Liên Xô (sau này là Nga) đã ký.

"Chính quyền Mỹ cho rằng, Nga đang ngày càng sản xuất nhiều tên lửa để đảm bảo cho chương trình bay thử nghiệm, điều đó làm dấy lên mối lo ngại rằng, sớm hay muộn thì điện Kremlin sẽ đưa chúng vào biên chế" - tờ báo trích dẫn các nguồn tin riêng nhận định.

Được biết, vào hôm 19/10 vừa qua, những người đứng đầu hai ủy ban trong Hạ viện Mỹ là Chủ nhiệm Ủy ban Quân đội Mac Thornberry và Chủ nhiệm Ủy ban Tình báo Nunes Devin đã gửi thư cho ông Obama thông báo về vấn đề này với Tổng thống Mỹ.

Hai nhà lập pháp Mỹ đã bày tỏ những lo ngại của họ và kêu gọi áp đặt lệnh trừng phạt Nga, kèm theo những biện pháp mang tính quân sự để đáp trả lại việc Nga thử nghiệm "tên lửa có cánh tầm trung triển khai trên mặt đất".

Hiệp ước Lực lượng hạt nhân chiến lược (INF) đã Mỹ và Liên Xô ký năm 1987. INF loại bỏ mọi loại vũ khí hạt nhân, được phóng từ tên lửa đạn đạo mặt đất và tên lửa hành trình với tầm bắn trong khoảng 500 tới 5500 kilômét (300 tới 3400 dặm) và cơ sở hạ tầng phục vụ nó.

Nga tích hợp tên lửa hành trình vào hệ thống phóng tên lửa đạn đạo Iskander
Nga tích hợp tên lửa hành trình vào hệ thống phóng tên lửa đạn đạo Iskander

Tuy nhiên, Washington đã nhiều lần cáo buộc Moscow vi phạm thoả thuận này, ngược lại, Nga cũng nhiều lần tố cáo Mỹ có hành động tương tự. Nhìn chung, các chuyên gia nhận định rằng, Mỹ cũng chẳng vừa và Nga cũng chẳng kém, cả 2 bên đều tìm cách lách luật để triển khai vũ khí cấm.

Nga cáo buộc Mỹ lách luật, chĩa tên lửa vào Nga

Tuy nhiên, trong thời gian qua, giới chức lãnh đạo Nga cũng đã có những cáo buộc tương tự đối với Mỹ, sau khi Washington mượn cớ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania để đưa các hệ thống có thể sử dụng để phóng tên lửa hành trình đến quốc gia Đông Âu này.

Moscow khẳng định rằng, 2 cơ sở phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai ở Romania và sau này là Ba Lan chính là một mối đe dọa trực tiếp với an ninh Nga, bất kể giới chức lãnh đạo NATO nhiều lần tuyên bố rằng, đây là một hệ thống phòng thủ, không thể triển khai tấn công nhằm vào bất kì nước nào.

Theo giới chức Nga, những tuyên bố của cả Mỹ-NATO chỉ nhằm mục đích bao biện cho những “âm mưu đen tối” của họ, Moscow thừa hiểu rằng Washington có thể làm gì từ căn cứ này, khi nó có sự hiện diện của hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) đa năng Mk-41.

Hệ thống phóng Mk-41 được coi là hệ thống phóng đa nhiệm duy nhất trên thế giới. Nó đảm bảo phóng được nhiều loại tên lửa đối không, chống ngầm và tấn công mặt đất, có khả năng bắn bất kỳ tên lửa nào trong kho tên lửa của Mỹ hiện đang sử dụng. Ngoài ra, Mỹ cũng đang tiến hành thử nghiệm tên lửa chống hạm mới trên hệ thống phóng đa năng này.

Theo Brian Bohs - Giám đốc phát triển kinh doanh các hệ thống điều khiển, bệ phóng và vũ khí của Lockheed Martin, các tên lửa sẽ được lắp vào trong các hộp phóng và các hộp này được đưa vào trong bệ phóng Mk-41, sau đó hệ thống phóng sẽ nhận ra đó là loại tên lửa nào.

Vấn đề giới chức Nga đặc biệt lo ngại là VLS Mk-41 có khả năng phóng các tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk, có tầm phóng tới 2500km. Đây là điều khiến Nga nổi giận và cho rằng, Mỹ đang lợi dụng các hệ thống BMD để triển khai tên lửa hành trình tấn công Nga.

Theo đại diện Bộ Ngoại giao Nga, Moscow đã mang vấn đề về MK-41 ra đối thoại song phương với Washington, tuy nhiên Nhà Trắng đã từ chối thảo luận về việc điều các hệ thống này đến Ba Lan, Romania, bởi họ không coi đó là việc vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Nga cũng tìm cách né INF

Đáp trả lại những phản ứng phớt lờ của Mỹ, giới chức lãnh đạo Moscow cũng tuyên bố rằng, bất kể là Mỹ có âm mưu gì thì với năng lực phòng thủ tên lửa nhiều tầng, nhiều lớp của mình, Nga có thể bắn hạ bất cứ tên lửa nào của đối thủ đe dọa đến an ninh đất nước.

Song song với đó, Nga cũng có những động thái lách qua những kẽ hở của INF để có thể triển khai ngay lập tức những hệ thống tấn công tên lửa hành trình khi có dấu hiệu chiến tranh.

Mỹ lách luật, triển khai hệ thống Mk-41 có thể phóng Tomahawk ở Romania
Mỹ lách luật, triển khai hệ thống Mk-41 có thể phóng Tomahawk ở Romania

Theo đó, các nhà sản xuất Nga đã chế tạo một biến thể của hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander là Iskander-K, có thể tấn công bằng tên lửa hành trình P-500 (R-500), một biến thể trên mặt đất của dòng tên lửa tấn công mặt đất tiên tiến 3M-14, có tầm phóng tới 2500km.

Ngày 29/5/2007, lục quân Nga đã phóng thử thành công tên lửa hành trình R-500 (P-500) trên hệ thống phóng của Iskander-K với kết quả ngoài sức tưởng tượng, rất nhiều chuyên gia quân sự đã chứng thực, sai số mục tiêu chưa tới 1m.

3M-14 là loại tên lửa tấn công mặt đất thế hệ mới nhất của Nga được sử dụng trong hệ thống tên lửa hành trình Kalibr-NK (Phiên bản đặt trên tàu nổi) hoặc Kalibr-PL (tàu ngầm). Đây là thế hệ tên lửa có độ chính xác cực cao, đã được chứng thực ở chiến trường Syria.

Để lách luật, Nga tuyên bố R-500 là tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân tầm ngắn, có tầm phóng 500km (cũng giống phiên bản đạn đạo Iskander-M) nên không vi phạm Hiệp ước INF. Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây cho rằng, loại tên lửa này chính là 3M-14 rút ngắn tầm bắn.

Trước đó, cũng chính các kỹ sư Nga đã từng tuyên bố rằng, trong trường hợp khi Hiệp ước INF bị hủy bỏ, họ sẽ ngay lập tức nâng tầm bắn tối đa cho nó lên 2500km.

Theo Toàn Thắng

Đất Việt