1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga mua trực thăng bay trên tầm mọi MANPADS

Nga mua phiên bản quân sự của dòng trực thăng bay cao nhất thế giới là Mi-38, thách thức mọi hệ thống phòng không vác vai (MANPADS).

Nga sản xuất hàng loạt phiên bản quân sự của Mi-38

Tập đoàn "Máy bay trực thăng Nga" (Russian Helicopter) bắt đầu triển khai công tác chế tạo phiên bản quân sự đa năng của dòng trực thăng “kỷ lục gia” Mil Mi-38, theo những yêu cầu nhiệm vụ kỹ thuật mà Bộ Quốc phòng Nga đã đặt ra trong chương trình phát triển.

Giám đốc điều hành tập đoàn Alexander Mikheev cho biết hôm 19-5 rằng, phiên bản máy bay trực thăng này do Bộ Quốc phòng đề xuất, trong khuôn khổ một chương trình phát triển trang bị-kỹ thuật giành riêng cho quân đội.

Phát biểu bên lề triển lãm trực thăng quốc tế 2016 mang tên HeliRussia-2016, Alexander Mikheev cho biết, hiện Russian Helicopter đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật theo yêu cầu đó, vì Bộ Quốc phòng là khách hàng chính, còn việc xuất khẩu là vấn đề của tương lai.

Hãng tin TASS ngày 19-5 cho biết, Bộ Quốc phòng Nga sẽ là đối tác đầu tiên đặt hàng máy bay trực thăng đa năng mới Mi-38 được sản xuất bởi Nhà máy trực thăng Kazan, trực thuộc Tập đoàn "Máy bay trực thăng Nga", có trụ sở tại thủ phủ nước Cộng hòa Tatarstan, thuộc Liên bang Nga.

Nhà máy này có cơ sở vật chất bề thế, đội ngũ chuyên viên giàu kinh nghiệm với đầy đủ các công đoạn, từ nghiên cứu thiết kế, chế tạo linh kiện cho tới lắp ráp, thử nghiệm và nghiệm thu kỹ thuật cấp quốc gia.

Nguồn tin từ Tổng công ty Trực thăng Nga cho biết, Bộ Quốc phòng nước này cùng với Tổng công ty Trực thăng Nga đã quyết định xong thủ tục và thời hạn cuối cùng cung cấp trực thăng Mi-38 cho Lực lượng Không gian Vũ trụ Nga. Tuy nhiên, nguồn tin không tiết lộ chi tiết những vấn đề này.

Trực thăng đa năng thế hệ mới Mil Mi-38 OP2 với sự hộ tống của Mi-28
Trực thăng đa năng thế hệ mới Mil Mi-38 OP2 với sự hộ tống của Mi-28

Được biết, nguồn tin từ giới chức công nghiệp quốc phòng Nga tiết lộ rằng, các thử nghiệm kiểm tra cuối cùng cho loại trực thăng đa năng thế hệ mới nhất của Nga là Mi-38 đã được hoàn tất vào tháng 1 vừa qua, Nga bắt tay khởi động quy trình sản xuất hàng loạt.

Mi-38 bay cao trên tầm với của MANPADS

Mi-38 là máy bay trực thăng quân sự tầm trung đa năng. Nó được đánh giá khá cao về mặt tải trọng và khả năng vận chuyển. Loại trực thăng này có thể mang được 6-7 tấn hàng hóa. Ngoài ra, việc cất và hạ cánh của Mi-38 không quá đòi hỏi điều kiện cơ sở hạ tầng quá tốt của sân bay.

Giới chức quân sự Nga tin tưởng rằng, loại trực thăng đa năng Mi-38 chuẩn bị được đưa vào sản xuất hàng loạt để thay thế cho dòng máy bay đời cũ Mi-8/Mi-17, sẽ không có đối thủ cạnh tranh về tính năng kỹ-chiến thuật và trên thị trường xuất khẩu.

Các nhà thiết kế Mi-38 đã trang bị cho loại trực thăng đa năng này những tính năng tiên tiến nhất như loại bỏ hoàn toàn các thiết bị cơ khí, buồng lái và các hệ thống điều khiển được lập trình, giúp đơn giản hóa các thao tác điều khiển cho phi công và giảm độ ồn cánh quạt.

Tuy chưa sản xuất hàng loạt nhưng loại trực thăng này đã thiết lập hàng loạt kỷ lục thế giới, ví dụ như thiết kế khí động học tối ưu giúp Mi-38 tiết kiệm nhiên liệu tối đa và có khả năng nâng không rất nhanh, tính từ khi bắt đầu cất cánh lên tới độ cao 3.000m chỉ trong vòng 6 phút.

Ngoài ra, trực thăng Mi-38 có khả năng đạt trần bay cao tới 9.000m, hơn độ cao của các trực thăng có trần bay cao nhất hiện nay tới 3000m. Mi-38 có thể coi là loại trực thăng duy nhất trên thế giới có trần bay đạt tới độ cao của các loại máy bay cánh cố định.

Với trần bay khủng như vậy, Mi-38 sẽ bay cao ngang với những máy bay cường kích trên thế giới hiện nay, trên tầm với của các hệ thống phòng không vác vai (MANPADS). Cùng với những hệ thống tác chiến điện tử mang theo, máy bay gần như được bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, trực thăng Mi-38 sẽ trở nên “vô đối” trên thế giới và hứa hẹn tương lai hết sức tươi sáng trên thị trường xuất khẩu thế giới, với đa chức năng: Vận chuyển hành khách và hàng hóa, thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu hộ, triển khai thành trạm quân y di động…

Nga chế tạo loạt trực thăng “kỷ lục gia”

Ngoài kỷ lục gia về độ cao và tốc độ nâng không Mi-38, ngành hàng không nước này cũng đang chế tạo một dòng máy bay trực thăng mới nhất, có khả năng bay với tốc độ kỷ lục thế giới là 450 km/h, trong khi tốc độ tối đa của máy bay trực thăng chiến đấu hiện nay giới hạn trong khoảng 300 km/h.

Vào tháng 6 tới, chiếc trực thăng nhanh nhất thế giới sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên với tốc độ kỷ lục 400-450 km/giờ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty "Máy bay trực thăng Nga", phụ trách sản xuất và đổi mới là ông Andrey Shibitov tuyên bố với báo giới.

Cận cảnh trực thăng có trần bay cao nhất thế giới Mi-38
Cận cảnh trực thăng có trần bay cao nhất thế giới Mi-38

Ông Shibitov cho biết, công việc đang được khẩn trương hoàn thành. Máy bay đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên và sẵn sàng bay với tốc độ cao nhất theo thiết kế của nó. Dự kiến chuyến bay thử nghiệm toàn bộ tính năng sẽ diễn ra vào đầu tháng 6.

Được biết, Nga vốn nổi tiếng về sản xuất các loại trực thăng đa năng và cả trực thăng chuyên làm nhiệm vụ vận tải hoặc tấn công. Các dòng máy bay trực thăng Mi-8/Mi-17, Mi-24/Mi-35, Mi-28… đã được sản xuất hàng nghìn chiếc và xuất khẩu cho nhiều nước trên thế giới.

Chỉ tính riêng năm 2015, Nga đã sản xuất tới hơn 300 chiếc máy bay trực thăng các loại, trong đó, chủ yếu là trực thăng Mi-8 và phiên bản xuất khẩu nâng cấp Mi-17/Mi-171, đạt chỉ số ngang tầm với ngành sản xuất máy bay trực thăng Liên Xô thời cực thịnh.

Hiện nay, Nga cũng đang hợp tác phát triển máy bay trực thăng với hàng loạt nước, ví dụ như Ấn Độ để sản xuất trực thăng Ka-226T hay với Trung Quốc để chế tạo một phiên bản trực thăng vận tải khổng lồ trên cơ sở loại trực thăng vận tải lớn nhất thế giới Mi-26, sản xuất thời Liên Xô cũ.

Ngoài ra, nước này cũng đã cung cấp số lượng không được tiết lộ các trực thăng vận tải Mi-26T2 cho Algeria. Đồng thời, Bộ quốc phòng Nga cũng đặt hàng một phiên bản giống tương tự Algeria, nhưng bổ sung một số yêu cầu đặc thù cho lực lượng vũ trang nước này.

Theo Thiên Nam

Đất Việt