1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga huy động 3.500 quân cùng tên lửa "khủng" tập trận gần Ukraine

(Dân trí) - Quân khu phía Tây của Nga đã bắt đầu triển khai một cuộc tập trận phòng không bắn đạn thật quy mô lớn gần biên giới Ukraine, 3.500 binh sỹ và nhiều tên lửa hiện đại sẽ góp mặt. Cùng lúc đó Bộ ngoại giao Nga cáo buộc Mỹ “ngạo mạn không thể chấp nhận”.

Thao trường Kapustin Yar, nằm cách biên giới phía Đông của Ukraine khoảng 450km. Trong thời gian một tháng tới, 3.500 lính Nga cùng hơn 1.000 khí tài, trong đó có các hệ thống tên lửa phòng không S-300, Buk-M1 cùng nhiều hệ thống khác sẽ tập hợp về đây diễn tập bắn đạn thật.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga

Đây không phải lần đầu tiên tòan bộ các thiết bị phòng không trong quân khu, bao gồm các hệ thống bảo vệ bờ biển của hạm đội Biển Bắc, tập trung về một khu vực này”, người phát ngôn quân khu, đại tá Oleg Kochetkov nói.

“Đây là cuộc tập trận lớn nhất được tổ chức bởi các đơn vị phòng không tại quân khu phía Tây”, ông Kochetkov khẳng định và cho biết thêm, cuộc tập trận là một phần của hoạt động huấn luyện chiến đấu thông thường.

Dù vậy, đợt tập trận lần này diễn ra đúng thời điểm căng thẳng chính trị tại Ukraine leo thang, dẫn tới những đối đầu hiện tại giữa Nga và các nước Phương Tây về số phận Crimea, một khu tự trị thuộc Ukraine, với đa số người Nga sinh sống.

Giới chức Crimea đã từ chối công nhận tính hợp pháp của chính phủ trung ương mới tại Kiev, sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ hồi cuối tháng trước. Hôm thứ Năm, quốc hội Crimea tuyên bố quyết định trở thành một phần của Nga.

Một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức vào ngày 16/3 tới tại khu vực này.

Quốc hội Nga mới đây đã phê chuẩn việc can thiệp quân sự vào Ukraine, trong khi hàng nghìn “dân quân địa phương” được cho là theo lệnh của Nga, đã kiểm soát các căn cứ quân sự của Ukraine trên khắp Crimea trong tuần qua.

Sau các diễn biến này, phương Tây đã tới tấp cáo buộc Mátxcơva hiếu chiến và đe dọa áp đặt các lệnh cấm vận, ngừng trao đổi quân sự với Nga, đồng thời tăng cường phối hợp quân sự trong phạm vi NATO.

Nga cáo buộc Mỹ “ngạo mạn không thể chấp nhận”

Đáp trả các tuyên bố từ phía Mỹ, trong ngày hôm qua (6/3), Bộ ngoại giao Nga đã cáo buộc Bộ ngoại giao Mỹ đề ra tiêu chuẩn kép và có chiến dịch “tuyên truyền hạ cấp”, sau khi Mỹ liệt kê những “tuyên bố sai lạc” của Tổng thống Vladimir Putin về các sự việc tại Ukraine.

Căng thẳng ngoại giao Nga - Mỹ vẫn đang nóng bỏng
Căng thẳng ngoại giao Nga - Mỹ vẫn đang nóng bỏng

“Bộ ngoại giao Mỹ đang cố gắng diễn giải một cách một chiều và không biết xấu hổ các sự việc”, người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Aleksandr Lukashevich tuyên bố. “Chắc chắn Washington không thể thừa nhận rằng họ đã dung túng những người biểu tình tại quảng trường Độc Lập, khuyến khích hành động lật đổ chính quyền một cách bạo lực, và do đó dọn đường cho những kẻ giả như là quyền lực hợp pháp tại Kiev”.

Hôm thứ Tư, một ngày sau khi Tổng thống Nga Putin có cuộc họp báo về các sự việc tại Ukraine, Bộ ngoại giao Mỹ đã cáo buộc ông Putin dối trá, và công bố một danh sách 10 “tuyên bố sai lạc” của ông Putin trên website của cơ quan này.

Mátxcơva khẳng định sẽ không đáp lại “hoạt động tuyên truyền hạ cấp” đó.

“Chúng tôi sẽ chỉ nói, một lần nữa rằng chúng tôi đang phải đối diện với sự ngạo mạn không thể chấp nhận và sự vờ như chỉ mình mới nắm sự thật”, ông Lukashevich nói tiếp, và khẳng định Mỹ “không có quyền đạo đức” để thuyết giảng người khác về tôn trọng luật pháp quốc tế, và tôn trọng chủ quyền các quốc gia khác.

“Thế còn vụ ném bom Nam Tư cũ hay xâm chiếm Iraq dựa trên những căn cứ giả tạo thì sao?”, ông Lukashevich chỉ rõ. Nhà ngoại giao này cũng dẫn ra thêm nhiều ví dụ cho thấy Mỹ từng can thiệp quân sự vào các nước dù họ không hề có đe dọa thực sự tới an ninh của Mỹ, như Việt Nam, Li-băng, cộng hòa Dominica, Grenada, Libya và Panama.

“Cuộc chiến tại Việt Nam khiến 2 triệu dân thường thiệt mạng, chưa kể tới việc phá hủy hoàn toàn đất nước này và làm ô nhiễm môi trường”, ông Lukashevich nói. “Với việc vờ như đảm bảo an ninh cho người Mỹ, những người mắc kẹt tại vùng có xung đột, Mỹ xâm chiếm Li-băng năm 1958, cộng hòa Dominica năm 1965, tấn công Grenada nhỏ bé năm 1983, ném bom Libya năm 1986 và xâm chiếm Panama 3 năm sau đó”.

“Thế mà họ vẫn dám cáo buộc Nga khiêu khích vũ trang khi Nga hành động vì đồng bào mình - những người chiếm đa số dân cư Crimea - để ngăn chặn các lực lượng dân tộc chủ nghĩa cực đoan trong việc tạo ra một quảng trường Độc Lập đẫm máu khác”.

Rõ ràng, Washington không thể xử lý những diễn biến sự việc một cách đầy đủ, vốn không diễn ra theo ý đồ của Mỹ. Nhưng không có lí do gì để đưa ra những lời cáo buộc, Bộ ngoại giao Nga kết luận.

Thanh Tùng
Tổng hợp