1. Dòng sự kiện:
  2. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Ông Trump bị ám sát hụt

Nga hứng chịu 20.000 lệnh trừng phạt của phương Tây

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức ngoại giao Nga xác nhận các nước phương Tây đã áp đặt khoảng 20.000 lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Nga hứng chịu 20.000 lệnh trừng phạt của phương Tây - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin (Ảnh: Tass).

"Khoảng 20.000 lệnh trừng phạt khác nhau đã được áp đặt đối với Nga. Trên thực tế, chúng không thể được gọi là lệnh trừng phạt, vì lệnh trừng phạt là biện pháp hợp pháp do Hội đồng Bảo an (Liên hợp quốc) đưa ra, trong khi đây là các biện pháp hạn chế đơn phương", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin phát biểu tại hội nghị bàn tròn của Thượng viện Nga hôm 29/7.

Theo Thứ trưởng Pankin, chiến dịch trừng phạt không hồi kết này do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thực hiện nhằm mục đích khiến Nga "yếu đi", đến mức "sụp đổ".

"Những kỳ vọng này không thành hiện thực mặc dù đi kèm với một chiến dịch thông tin sai lệch mạnh mẽ được tiến hành bằng mọi cách", nhà ngoại giao cấp cao của Nga cho biết.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hồi tháng 6 cáo buộc phương Tây đang tiến hành một "cuộc chiến không luật lệ" nhằm vào Nga. Ông Medvedev nói rằng Moscow sẽ "đánh giá (những thiệt hại đã gây ra) để có thể yêu cầu (bồi thường từ) các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga".

Phản ứng trước các lệnh trừng phạt được Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ, ông Medvedev nhấn mạnh Nga nên trả đũa bằng mọi cách có thể thay vì chỉ phớt lờ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các lệnh trừng phạt không thể gây tổn hại cho Nga như cách mà phương Tây mong muốn. Ông Peskov nói rằng nền kinh tế Nga đã dần thích nghi và sẵn sàng chống chọi với các lệnh trừng phạt của phương Tây thêm nhiều năm nữa.

Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto nhận định các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga đã thất bại và kêu gọi phương Tây cố gắng hơn nữa để hướng tới việc đàm phán một giải pháp ngoại giao với Nga.

Ông Crosetto nói rằng phương Tây đã lầm tưởng rằng các biện pháp trừng phạt của họ có thể ngăn chặn được Nga, nhưng phương Tây đã đánh giá quá cao ảnh hưởng kinh tế của nước này trên thế giới.

Trước sức ép của phương Tây, Nga đã nỗ lực tránh các lệnh trừng phạt và xem đây là ưu tiên hàng đầu. Moscow đã tăng cường thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác nhằm thúc đẩy thương mại năng lượng và đảm bảo nguồn cung cấp hàng nhập khẩu quan trọng cho chiến sự.

Các quan chức phương Tây đưa ra những biện pháp trừng phạt nhằm gây tổn hại cho Nga, nhưng Moscow cuối cùng cũng thích nghi, buộc các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và châu Âu phải quay lại bàn tính thêm biện pháp khác. Đó là một "cuộc chiến" mà Nga nhấn mạnh không thể để thua.

Theo cáo buộc của Mỹ và phương Tây, Iran và Triều Tiên đã chuyển máy bay không người lái (UAV) và tên lửa cho Nga, trong khi Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp thường xuyên cho Moscow các hàng hóa lưỡng dụng do phương Tây sản xuất để phục vụ cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Nga và các nước liên quan bác bỏ cáo buộc này.

Không giống như các lệnh trừng phạt trước đây của Mỹ và phương Tây nhằm vào Iran hay Triều Tiên, sức nặng kinh tế của Nga khiến nước này khó bị cô lập. Thực tế là Nga không chỉ xuất khẩu dầu khí, họ còn xuất khẩu các tài nguyên bao gồm uranium và titan, những mặt hàng mà các nền kinh tế phương Tây rất cần.

Các quan chức Mỹ, Anh và EU đã có chuyến công du đến nhiều quốc gia trên khắp thế giới để thuyết phục các nước trung lập không cắt giảm các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa quân sự quan trọng và hàng hóa lưỡng dụng. Họ đã thành công ở nhiều nơi, trong đó có một số quốc gia Trung Á, nhưng không hiệu quả đối với các nền kinh tế khổng lồ như Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc.

Theo Tass