1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga đồng ý Gadhafi phải ra đi, sẵn sàng làm trung gian hòa giải

(Dân trí) - G8 hôm qua đã ra thông cáo chung nhấn mạnh rằng lãnh đạo Libya Gadhafi “đã hoàn toàn mất tính chính đáng” và ông này “phải từ bỏ quyền lực”. Nga đã ủng hộ thông cáo của G8 và tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hoà giải.

 
Nga đồng ý Gadhafi phải ra đi, sẵn sàng làm trung gian hòa giải - 1
Lãnh đạo các nước G8: “Gadhafi đã mất tính chính đáng”.

Sau hai ngày họp tại thành phố Deauville ở tây bắc nước Pháp, lãnh đạo các nước trong khối G8 hôm qua ra thông cáo chung viết: “Ông Gadhafi và chính phủ Libya đã thất bại trong việc đảm trách bảo vệ nhân dân Libya và đã mất tính chính đáng. Ông Gadhafi không có tương lai trong một đất nước Libya tự do và dân chủ. Ông ấy phải ra đi”.

Lãnh đạo các nước G8 cũng yêu cầu các lực lượng quân sự của chính quyền Libya “phải chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực nhắm vào các thường dân Libya”. Thông cáo chung của G8 còn khẳng định sự ủng hộ “đối với tiến trình quá độ chính trị phản ánh nguyện vọng của nhân dân Libya”.
 
“Nga sẵn sàng giúp hoà giải”

Khối G8 ra được thông cáo chung với nội dung này, có nghĩa là Nga đã thay đổi thái độ, cũng đồng ý phải kêu gọi lãnh đạo Libya Gadhafi phải từ bỏ quyền lực.

Nga cho biết sẵn sàng giúp hòa giải việc nhà lãnh đạo Libya từ bỏ quyền lực, nhưng sẽ không cho ông này tị nạn.
 
Phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh khối G8 tại Pháp, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev kêu gọi ông Gadhafi từ chức và nói rằng một số quốc gia có thể cho ông ta trú chân. Tổng thống Nga thông báo việc gửi một đặc sứ tới cứ điểm của phe nổi dậy Libya là Benghazi ngày hôm qua.

“Nga quan tâm duy trì Libya như là một quốc gia chủ quyền tự do và thống nhất độc lập”, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh G8. Nhà lãnh đạo Nga nói rằng trong quá trình tham vấn với các đối tác "nhóm G-8", ông đã đề xuất sự đóng góp hòa giải của Nga trong việc giải quyết cuộc xung đột Libya.

Tuy nhiên, lãnh đạo Nga nhấn mạnh hoạt động quân sự tại Libya là vi phạm các chuẩn mực quan hệ quốc tế và can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một quốc gia độc lập.

Trong khi đó, Tripoli đã bác bỏ tuyên bố của G8 và cho rằng mọi thoả thuận điều giải khủng hoảng hiện nay ở Libya phải thông qua Liên minh châu Phi (AU).

Các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya đã phát động một nỗ lực mới nhằm chiếm lại quyền kiểm soát thành phố lớn thứ ba của Libya là Misrata mà lực lượng nổi dậy đã chiếm giữ. Trước đó, Thủ tướng Libya Al-Baghdadi al-Mahmoudi đã đề nghị ngưng bắn với phe nổi dậy nhưng bác bỏ việc ông Gadhafi phải ra đi - một yêu cầu chính của phe đối lập và NATO.

40 tỷ USD cho các nước Ảrập

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Deauville, lãnh đạo khối G8 còn ra thông cáo “ủng hộ” những thay đổi đang diễn ra tại nhiều nước châu Phi, Bắc Phi và Trung Đông. Để làm việc này, G8 đưa ra kế hoạch “Quan hệ đối tác Deauville”, cam kết hỗ trợ tiến trình dân chủ hóa, cải cách, chống tham nhũng và đặc biệt là viện trợ kinh tế.

Song song với việc tăng cường quan hệ kinh tế song phương, G8 thông báo có thể cấp tới 40 tỷ USD hỗ trợ các nước Ảrập “đang tìm cách thiết lập các nền dân chủ”.

Trước mắt, G8 cam kết cung cấp 20 tỷ USD cho Ai Cập và Tunisa trong giai đoạn 2011-2013.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, ông Jose Manuel Barroso, cho biết khoản cấp viện cho Tunisia và Ai Cập “có điều kiện rằng các nước càng cải cách dân chủ càng được hỗ trợ thêm”.

Bản tuyên bố của G8 cũng kêu gọi chính phủ Syria ngưng sử dụng vũ lực và sự đe dọa “chống lại nhân dân Syria”. Tuyên bố nói rằng các nước G8 “kinh hoàng trước cái chết của nhiều người biểu tình ôn hòa” và trước “các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và tái diễn”.

Các thành viên G8 nói họ cũng ngày càng quan ngại về tình trạng bạo động ở Yemen và kêu gọi Tổng thống Ali Abdullah Saleh thực hiện lời hứa từ chức.

Bản tuyên bố của G8 kêu gọi chính quyền Israel và Palestine tuân thủ các thỏa thuận hợp tác hiện hữu và tránh các biện pháp đơn phương có thể gây trở ngại cho tiến bộ và những cải cách hơn nữa.
Nguyễn Viết
Tổng hợp