1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga doạ rút khỏi Start, triển khai tên lửa tại châu Âu

(Dân trí) - Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm qua đã cảnh báo các tên lửa có thể được triển khai ở biên giới châu Âu nếu Mỹ theo đuổi kế hoạch phòng thủ tên lửa của nước này.

 
Nga doạ rút khỏi Start, triển khai tên lửa tại châu Âu - 1
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.
 
Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Medvedev nói Nga có thể triển khai “các hệ thống vũ khí hiện đại” tại Kaliningrad nếu Nga, Mỹ và NATO không đi tới một thoả thuận.

Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng Mátxcơva có thể rút khỏi thoả thuận vũ khí Start mới đã ký kết với Mỹ.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói ông “rất thất vọng” về bình luận của Tổng thống Nga.

Washington muốn hoàn thành một hệ thống lá chắn tên lửa vào năm 2020 nhưng Mátxcơva coi ý tưởng này là một mối đe dọa đối với các sức mạnh hạt nhân của mình. Mỹ thì khẳng định lá chắn nhằm bảo vệ khỏi mối đe doạ tên lửa tiềm tàng từ các quốc gia như Iran.

Washington ban đầu định triển khai các phần chính của hệ thống lá chắn tên lửa tại Ba Lan và Cộng hoà Czech dưới các kế hoạch thời Tổng thống Bush.

Nhưng Nga phản đối mạnh mẽ kế hoạch trên và khi Tổng thống Obama nhậm chức, ông đã giảm bớt các tham vọng này. Tuy nhiên, Mátxcơva chưa hài lòng rằng các kế hoạch được sửa đổi sẽ không gây ra mối đe doạ đối với các lợi ích của Nga.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Rasmussen viết: “Ý tưởng cho rằng việc triển khai các tên lửa tại khu vực nằm gần liên minh là một biện pháp đáp trả thích hợp thật rất thất vọng.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO chỉ nhằm bảo vệ khỏi các mối đe doạ từ bên ngoài châu Âu chứ không nhằm sự cân bằng”.

Động thái mang tính “tượng trưng”

Cảnh báo của nhà lãnh đạo Nga được đưa ra sau khi Mỹ ngày 22/11 tuyên bố nước này sẽ ngừng chia sẻ với Nga thông tin về các lực lượng quân sự phi hạt nhân tại châu Âu.

Thông tin vốn được cung cấp cho Mátxcơva theo hiệp ước Các lực lượng thông thường tại châu Âu (CFE).

Nga đã ngừng tham gia hiệp ước năm 2007, nhưng Washington vẫn tiếp tục cung cấp dữ liệu trong khi các cuộc đàm phán về phòng thủ tên lửa diễn ra.

Các nhà phân tích cho rằng động thái của Mỹ cơ bản chỉ mang tính tượng trưng, mặc dù Bộ ngoại giao Mỹ cho hay bước đi này là nhằm đưa Nga trở lại bàn đàm phán.

Tổng thống Mỹ Obama và người đồng cấp Nga Medvedev đã ký hiệp ước Start mới - nhằm giảm kho hạt nhân của hai nước - hồi tháng 4/2010. Hiệp ước cũng được Thượng viện Mỹ phê chuẩn hồi tháng 12 cùng năm.

Hiệp ước được ông Obama miêu tả là thoả thuận quan trọng nhất trong gần 2 thập niên, do đó nếu Nga rút khỏi thoả thuận này thì nó sẽ là một đòn giáng mạnh vào quan hệ giữa 2 nước.
 
Phản ứng về tuyên bố của Tổng thống Medvedev, Mỹ ngày 23/11 khẳng định rằng hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai tại châu Âu không và không thể đe doạ sự răn đe chiến lược của Nga.
 
"Chúng tôi đã công khai và minh bạch với Nga về kế hoạch phòng thủ tên lửa trong một thời gian dài. Chúng tôi tin rằng hệ thống phòng thủ tên lửa phản ánh mối đe doạ ngày càng gia tăng nhằm vào các đồng minh của chúng tôi từ Iran mà chúng tôi đã cam kết ngăn chặn", phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Mark Toner nói.

An Bình
Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm