Nga định vị phiến quân ở Aleppo, chiến thắng tới gần
Sức tiến quân của lực lượng quân Chính phủ Syria càng dâng cao càng chiếm lại những khu vực trọng yếu.
Thông tấn Farnews hôm 11/11 cho biết, quân đội Syria, được hỗ trợ bởi lực lượng Nga, tiếp tục các hoạt động để thiết lập an ninh ở tây nam Aleppo, đánh bại lực lượng phiến quân ở đây.
"Quân đội Syria và lực lượng đồng minh đã có những bước tiến nhanh chóng trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố gần Dự án Nhà ở 1070 và trường học al-Hikmah, khi vào ngày 9/11 họ đã đánh bại phiến quân ở đây. Hiện không còn bóng dáng của một tay súng cực đoan nào xuất hiện ở khu vực này", một nguồn tin dẫn lại.
Sau khi 2 khu vực Dự án Nhà ở 1070 và trường học al-Hikmah được giải phóng khỏi các lực lượng Hồi giáo cực đoan, những người lính quân đội Syria tiếp tục bắn hạ nhiều tên khủng bố bỏ chạy thoát thân về phía quận al-Rashedeen.
Quận al-Rashedeen, được coi là nơi tập trung các căn cứ quan trọng nhất của những kẻ khủng bố ở tây nam Aleppo, đang phải hứng chịu hỏa lực cực mạnh từ phía quân đội Syria. Khu vực này được dự báo sẽ nhanh chóng bị sụp đổ.
Quân đội Syria cũng đã bắt đầu các hoạt động quân sự nhằm đánh chiếm 2 khu dân cư số 4 và 5 thuộc quận al-Rashedeen đang bị phiến quân chiếm đóng. Các lực lượng không quân cũng đang tấn công mạnh vào 2 khu vực này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố về sự mâu thuẫn trong nỗ lực chống khủng bố ở châu Âu.
Theo đó, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh rằng các chính sách của Mỹ và đồng minh gây ra cảm giác họ đang nỗ lực bảo vệ cho tổ chức khủng bố al-Nusra Front ở Syria, trong khi chính phương Tây tuyên bố họ không tha thứ cho chủ nghĩa khủng bố và đang mở chiến dịch đánh IS ở Iraq.
Cụ thể hơn, ông Lavrov dẫn chứng nghị quyết mới được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua, trong đó lên án việc IS dùng dân thường như lá chắn sống tại Mosul (Iraq) để chống lại đà tấn công của quân chính phủ.
Nhưng ngay tại thành phố Aleppo (Syria), nhóm khủng bố al-Nusra Front cũng đang làm điều tương tự, song các nước phương Tây trong Hội đồng Bảo an LHQ lại không hề có động thái lên án hành động vô nhân đạo này.
Liên quan tới tình hình thực hiện nhân đạo, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định có các dấu hiệu cho thấy việc sử dụng vũ khí hóa học ở Trung Đông.
Bộ trên nhấn mạnh đã tìm thấy bằng chứng theo đó nhiều khả năng lực lượng nổi dậy đã sử dụng khí Clo và phốt pho trắng tại vùng rìa phía Tây Nam của Aleppo thuộc quận 1070.
Theo bộ này, thông tin trên dựa vào kết quả xét nghiệm mẫu đất, các quả pháo xịt và mảnh đạn.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho hay hiện Nga sẽ giao các bằng chứng cho phía Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) và muốn tổ chức này điều khẩn cấp một phái bộ đến thành phố Aleppo để thu thập bằng chứng riêng.
Thông tin thắng trận liên tiếp ở Aleppo khiến phần nào lực lượng khủng bố IS bị đẩy lùi, lực lượng quân đội Nga đã bác bỏ đề xuất của Liên Hiệp quốc về việc kéo dài thêm lệnh ngừng bắn ở Aleppo.
Theo đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố việc áp đặt lệnh ngừng bắn là để tạo hành lang nhân đạo hỗ trợ người dân và tạo cơ hội cho những tay súng đối lập đầu hàng, chứ không phải dành thêm thời gian cho phe khủng bố tái lập lực lượng và nhận vũ khí bổ sung.
Phía Nga đã bác bỏ đề xuất của LHQ, bởi Moscow khẳng định càng kéo dài lệnh ngừng bắn, quân khủng bố càng lợi dụng để củng cố hàng ngũ. Trong khi đó, Nga vẫn đang tiếp tục hỗ trợ nhân đạo tích cực cho dân thường bằng việc cung cấp lương thực, thực phẩm và phương tiện để sơ tán người dân rút khỏi thành phố chiến lược này.
Chiến sự Mosul, Raqqa ác liệt
Trong khi đó, tại Mosul, Farsnews dẫn các phương tiện truyền thông của Iraq tuyên bố cho thấy lực lượng Chính phủ hiện đã kiểm soát khu vực phía Đông thành phố vốn bị lực lượng khủng bố tái chiếm.
"Quân đội Iraq hiện kiểm soát ít nhất 10 huyện trong khu vực Đông Mosul" - nguồn tin quân đội nói.
Lực lượng chiến đấu của quân đội chính phủ Iraq cũng đã phát động cuộc tấn công ẩn náu trong làng Mawali, nằm khoảng 20 km về phía Tây của thành phố Mosul. Kết quả thu được các thắng lợi lớn: 22 kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt.
Còn tại Raqqa, dưới sự hỗ trợ của các máy bay chiến đấu thuộc liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ đứng đầu, từ ngày 5/11, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã khởi động chiến dịch giải phóng thành phố Raqqa, thành trì cuối cùng của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, khỏi các tay súng IS.
SDF, liên minh của các lực lượng Arab và người Kurd, đã đẩy mạnh tấn công xuống phía Nam từ các khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đánh bật IS khỏi Raqqa. Tới nay, lực lượng này đã giành quyền kiểm soát một số ngôi làng và đang tiếp tục đánh phá các vị trí cách Raqqa 35km.
Thành phố Raqqa có 240.000 dân trước thời điểm nổ ra nội chiến Syria vào năm 2011. Tuy nhiên, hơn 80.000 dân trong số này đã rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do lo sợ xung đột và bạo lực.
Theo Ngọc Dương
Đất Việt