1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga đáp trả kêu gọi tấn công phủ đầu của quan chức NATO

Minh Phương

(Dân trí) - Moscow cho rằng NATO đã phớt lờ mọi nghi thức ngoại giao khi đưa ra ý tưởng tấn công phủ đầu Nga.

Nga đáp trả kêu gọi tấn công phủ đầu của quan chức NATO - 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: TASS).

"Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO đã tuyên bố rõ ràng rằng việc đảm bảo phòng thủ cho các quốc gia thành viên NATO đòi hỏi phải tấn công vào các mục tiêu ở Nga mà NATO tin rằng có thể gây ra mối đe dọa cho khối. Tôi nghĩ không có gì đáng bình luận ở đây. Chỉ là họ đã phớt lờ mọi nguyên tắc ngoại giao, công khai tuyên bố ý đồ thực sự", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu ngày 26/11.

Bình luận trên nhằm phản ứng với phát ngôn trước đó của Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer về ý tưởng tấn công phủ đầu Nga.

"Trước đây, ý tưởng là chúng ta là một liên minh phòng thủ, vì vậy chúng ta sẽ đợi cho đến khi bị tấn công. Một khi bị tấn công, chúng ta có thể đánh chặn tên lửa. Nhưng hiệu quả hơn là chúng ta không chỉ đánh chặn mà còn nhắm vào các bệ phóng ở Nga. Chúng ta phải tấn công trước", Đô đốc Rob Bauer nói.

Ông nhấn mạnh các nước NATO cần đầu tư nhiều hơn vào năng lực phòng không và tấn công tầm xa do các mối đe dọa từ Nga.

Theo ông, các nước NATO nên tập trung vào việc phá hủy các hệ thống vũ khí được sử dụng để nhắm vào các quốc gia thành viên của liên minh. Là một liên minh phòng thủ, ông cho biết NATO có thể cần phải tấn công trước nếu cần thiết.

Tuy nhiên, ông Bauer lưu ý rằng Nga không còn là mối đe dọa lớn đối với NATO như vào tháng 2/2022, thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, do quân đội Nga suy yếu sau hơn 2 năm xung đột.

Nga từ lâu đã cảnh báo coi NATO là một bên tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, phương Tây đã bác bỏ quan điểm này và khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev.

Trong bối cảnh Nga chiếm ưu thế trên chiến trường, các đồng minh, đối tác phương Tây đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp giúp Ukraine cải thiện vị thế. Mỹ, Anh và Pháp chấp thuận để Kiev sử dụng vũ khí tầm xa do họ cung cấp để tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.

Tuần trước, New York Times đưa tin một số quan chức Mỹ và châu Âu được cho là đang đề xuất chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine.

Đáp lại ý tưởng này, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết việc chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine có thể bị coi là hành động tấn công vào Nga, chuẩn bị cho một cuộc xung đột hạt nhân và sẽ nhận lại hậu quả rõ ràng.

"Việc chuyển giao thực tế các loại vũ khí như vậy có thể được coi là một hành động tấn công hoàn toàn vào đất nước chúng tôi", ông Medvedev nhấn mạnh.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết, những thảo luận về khả năng vũ khí hạt nhân cho Ukraine là "vô trách nhiệm".

Khi được hỏi liệu Điện Kremlin có nhận thấy nguy cơ leo thang hạt nhân sau khi Nga sử dụng tên lửa siêu vượt âm thế hệ mới Oreshnik để tấn công Ukraine hay không, ông Peskov cho biết để đánh giá rủi ro leo thang hạt nhân, cần phải nghiên cứu học thuyết hạt nhân của Nga và các tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin, cũng như các hành động của phương Tây.

Tuần trước, Tổng thống Putin đã phê chuẩn sửa đổi học thuyết hạt nhân theo hướng hạ ngưỡng sử dụng các biện pháp răn đe hạt nhân của Nga.

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine