Nga cảnh báo nguy cơ các virus cổ xưa nguy hiểm "thức giấc" đe dọa thế giới
(Dân trí) - Nga đã đề xuất một dự án nhằm đối phó với mối đe dọa từ việc các virus và vi khuẩn từ thời cổ xưa có thể "thức giấc" trở lại và gây ra mối đe dọa cho nhân loại.
RT đưa tin, Đại sứ phụ trách hợp tác tại Bắc Cực của Nga, Chủ tịch Ủy ban các quan chức cấp cao tại Hội đồng Bắc Cực Nikolay Korchunov, cảnh báo rằng hiện tượng vùng đất đóng băng vĩnh cửu bị tan ra do nóng lên toàn cầu không chỉ dẫn tới nguy cơ giải phóng khí mêtan và gây tàn phá các cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực, mà còn có thể làm cho các virus và vi khuẩn cổ xưa "thức giấc".
Trả lời kênh truyền hình Zvezda, ông Korchunov cho biết Nga đã đề xuất một dự án an toàn sinh học lên Hội đồng Bắc Cực, một diễn đàn liên chính phủ gồm 8 quốc gia có chủ quyền đối với đất liền trong khu vực Vòng Bắc Cực.
"Có mối đe dọa là các virus và vi khuẩn cổ xưa sẽ thức giấc. Chính vì vậy, Nga đã khởi xướng một dự án an toàn sinh học", ông Korchunov nói, nhấn mạnh rằng, dự án này sẽ xác định phạm vi "rủi ro và nguy hiểm" liên quan tới hiện tượng vùng đất đóng băng vĩnh cửu bị tan ra và những bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra trong tương lai.
Trong địa chất học, tầng đất đóng băng vĩnh cửu hay tầng băng vĩnh cửu là tầng đất ở hoặc dưới điểm đóng băng của nước 0⁰C trong hai năm trở lên. Hầu hết các lớp băng vĩnh cửu nằm ở vĩ độ cao (tức đất gần Bắc Cực và Nam Cực),
Ông Korchunov không phải là người đầu tiên chỉ ra khía cạnh "tác dụng phụ" có khả năng tàn phá của biến đổi khí hậu. Hồi đầu năm nay, nhà khoa học Nga Sergei Davydov cảnh báo rằng, việc các vùng đất đóng băng vĩnh cửu bị tan ra có thể đưa hệ sinh thái cổ xưa nổi lên trên mặt đất, bao gồm các virus. Ông Davydov cảnh báo rằng phần lớn lãnh thổ của Nga là lớp đất đóng băng vĩnh cửu không tan trong hàng triệu năm và các loại virus lâu đời - một số loại có thể cực kỳ nguy hiểm - có thể ở bên trong.
Trong những năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo về những hậu quả của biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu với hệ sinh thái và môi trường các nước, bao gồm cả hiện tượng đất đóng băng vĩnh cửu bị tan ra. Năm ngoái, ông Putin nói rằng, 65% lãnh thổ Nga là đất đóng băng vĩnh cửu và bất cứ một sự thay đổi nào về sinh thái cũng sẽ có thể gây ra những hậu quả lớn đối với cơ sở hạ tầng của Nga và có thể có tác động lớn đến nền kinh tế của nước này.