1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo Đức vượt lằn ranh đỏ trong xung đột ở Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Đại sứ Nga tại Đức cho rằng chính quyền Đức lẽ ra không nên vượt qua lằn ranh đỏ khi cung cấp vũ khí cho Ukraine giữa lúc xung đột căng thẳng.

Nga cảnh báo Đức vượt lằn ranh đỏ trong xung đột ở Ukraine - 1

Pháo phòng không tự hành Gepard của Đức mà Ukraine rất cần (Ảnh: DW).

"Các loại vũ khí sát thương do Đức sản xuất và cung cấp chính quyền Ukraine không chỉ được sử dụng để chống lại binh sĩ Nga mà còn cả dân thường. Đó chắc chắn là lằn ranh đỏ mà chính quyền Đức không nên vượt qua vì trách nhiệm lịch sử của Đức với người dân của chúng tôi sau tội ác của Đức Quốc xã trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Đó còn chưa kể tới đóng góp của chúng tôi trong việc thống nhất nước Đức hậu chiến tranh", Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechayev nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Tass hôm 18/10.

"Cần hiểu rằng lằn ranh đỏ này cũng tồn tại ở Đức", ông Nechaev nói khi nhắc đến hàng chục năm Đức hạn chế gửi vũ khí, đặc biệt là thiết bị quân sự hạng nặng, đến các khu vực có xung đột vũ trang.

"Đã có sự đồng thuận chính trị rộng rãi ở Đức về vấn đề này, nhưng điều đó chỉ thay đổi vào thời điểm này và chỉ thay đổi đối với Nga. Đó là quyết định của chính phủ liên minh mới của Đức và chúng tôi coi đó là một sai lầm nghiêm trọng. Tất nhiên, sự thay đổi như vậy chắc hẳn sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ song phương cũng như triển vọng phát triển mối quan hệ đó", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Ông Nechaev cảnh báo "việc bơm vũ khí không kiểm soát cho Ukraine, vốn vi phạm các quy tắc kiểm soát xuất khẩu và buôn bán vũ khí quốc tế, chỉ khiến cuộc xung đột kéo dài, gây ra sự tàn phá, thương vong cho dân thường và khiến tình hình ở châu Âu, trong đó có Đức, thêm bất ổn".

"Có một mối đe dọa thực sự về vũ khí do phương Tây cấp cho Ukraine, bao gồm tên lửa chống tăng dẫn đường và hệ thống phòng không di động, khi chúng rơi vào tay các nhóm khủng bố và các tổ chức cực đoan", ông Nechaev nói, đồng thời lưu ý rằng việc mua bán các hệ thống vũ khí sát thương trên mạng đang diễn ra sôi nổi.

Trong chuyến thăm tới Ukraine hôm 1/10, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht thông báo Đức sẽ cung cấp viện trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine trong thời gian tới, bao gồm hệ thống phòng không Iris-T SLM. Đức hồi tháng 6 cam kết sẽ gửi cho Ukraine ít nhất một hệ thống Iris-T. Ukraine được cho là muốn có ít nhất 12 hệ thống này và đã đề nghị mua phần còn lại từ nhà sản xuất, mặc dù lực lượng vũ trang Đức vẫn chưa tiếp nhận các hệ thống này.

Đức đã viện trợ hơn 728 triệu USD vũ khí cho Ukraine, bao gồm nhiều đợt chuyển giao pháo phòng không tự hành Gepard và lựu pháo tự hành PzH 2000, kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra vào cuối tháng 2.

Tuy nhiên, Kiev đã nhiều lần chỉ trích Berlin vì không thực hiện đúng cam kết và từ chối cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard và xe chiến đấu bộ binh Marder cho Ukraine. Vào tháng 8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cam kết "những thiết bị hiện đại và hiệu quả nhất" của Đức sẽ sớm được cung cấp cho Ukraine, đề cập đến hệ thống Iris-T và radar phản pháo Cobra, nhưng không có xe tăng.

Các gói viện trợ quân sự mới của phương Tây cho Ukraine được công bố trong bối cảnh xung đột vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Lực lượng Ukraine tiếp tục đà tiến công nhằm đẩy lùi quân đội Nga ở mặt trận miền Đông và miền Nam, trong khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine