Nếu Trung Quốc không thay đổi, Mỹ sẽ gia tăng tuần tra đảo nhân tạo
(Dân trí) - PGS.TS Chu Hồi Giảng viên ĐH Quốc Gia, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải Đảo cho biết hành động lần này của Mỹ chỉ mang tính chất “nắn gân”. Nếu Trung Quốc không thay đổi quan điểm và cách làm thì Mỹ cũng sẽ tiếp tục định kỳ và cho tăng dày hơn các năng lực tuần tra ở Biển Đông.
Cục diện Biển Đông thay đổi hoàn toàn
Sau nhiều tuyên bố, cuối cùng chính quyền Mỹ cũng đã quyết định cử tàu tới bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, khu vực Trung Quốc được cho đã và đang tiến hành nhiều hoạt động phục vụ mục đích quân sự hóa. Ông đánh giá như thế nào về động thái cứng rắn này của Mỹ?
Theo tôi, đây là hành động quyết liệt nhất của Mỹ từ trước đến nay nhằm đáp trả và bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với những bãi đá nhân tạo mà nước này tiến hành cải tạo ở Biển Đông.
Trước đây, Mỹ đã từng dự báo rằng, việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế ngang nhiên bồi đắp các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa để tạo ra các căn cứ quân sự không đơn giản là các hoạt động dân sự như nước này tuyên bố mà nó nằm trong toan tính khống chế Biển Đông, tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Đây là hành động vô cùng nguy hiểm và đe dọa đến an ninh khu vực và an toàn thế giới.
Với Mỹ, Biển Đông còn là khu vực địa chính trị cực kỳ quan trọng tại Đông Nam Á trong chiến lược xoay trục sang Châu Á -Thái Bình Dương. Nếu Nhà Trắng mất vai trò ở Biển đông cũng gần như mất đi vai trò của mình ở Đông Á. Vì thế, hành động của Trung Quốc rõ ràng đã xâm phạm đến lợi ích quốc gia của Mỹ và cả các nước đồng minh như Nhật Bản, Singapore, Philipines, Úc. Điều này buộc Mỹ phải thay đổi “tư thế quân sự”…
Việc Mỹ điều tàu tuần tra lần này ngoài việc thể hiện lập trường dứt khoát rằng Washington không chấp nhận các hoạt động cải tạo của Bắc Kinh, theo tôi còn là một bước tiến mới để củng cố lòng tin và khẳng định vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.
Ông có cho rằng, đây là một động thái đáp trả lại những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc? Hoạt động tuần tra ở Trường Sa có phải là sự khởi đầu cho sự ganh đua Mỹ - Trung và làm thay đổi diện mạo khu vực hay không?
Có thể nói việc làm này của Mỹ đã đánh dấu một bước ngoặt mới, làm thay đổi cục diện Biển Đông. Bàn cờ, cuộc chơi hiện nay không chỉ dừng lại là sự tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực nữa mà còn là cuộc chơi giữa Trung Quốc và Mỹ.
Với những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc thì động thái cứng rắn lần này của Mỹ không có gì ngạc nhiên. Sự hiện diện của Mỹ là sự phản bác lại những luận điệu chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố.
Theo tôi, Mỹ sẽ ngày càng can dự sâu vào khu vực Biển Đông trong đó có Trường Sa. Sự hòa bình và ổn định trong khu vực phụ thuộc nhiều vào cục diện giữa hai nước Mỹ - Trung, cũng như thái độ của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Và xu thế trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là đa phương hóa chứ không còn là song phương như Trung Quốc lâu nay muốn nữa.
Khó xảy ra đối đầu quân sự
Tàu USS Lassen của Hải quân Mỹ (Ảnh: US Navy)
Theo ông, tình huống nào Trung Quốc sẽ phải đối mặt hoặc nên lo ngại về diễn biến mới này?
Theo tôi, hành động này của Mỹ chỉ mang tính chất “nắn gân”. Nếu như Trung Quốc không thay đổi quan điểm và cách làm thì Mỹ cũng sẽ tiếp tục định kỳ và cho tăng dày hơn các năng lực tuần tra ở Biển Đông. Nếu Mỹ củng cố được lòng tin hơn qua hành động vừa rồi thì sẽ còn có sự tham gia của các nước đồng minh ủng hộ Mỹ tham gia tuần tra chung.
Ngay từ đầu Mỹ cũng đã tuyên bố nhất quán, dù có đổ hàng nghìn tấn cát, hàng triệu đô la để xây dựng các đảo nhân tạo, Trung Quốc có thể thay đổi hiện trạng các bãi cạn thành các đảo nhân tạo nhưng không thay đổi được vị trí pháp lý của nó. Có nghĩa là, cái mà Trung Quốc gọi là “đảo” chỉ mãi là bãi cạn mà thôi.
Một khi đã là bãi cạn thì không có chủ quyền và đồng nghĩa với việc cũng không tồn tại cái gọi là 12 hải lý như nước này tuyên bố. Nếu Trung Quốc cứ cố tình coi thường luật pháp và quan hệ quốc tế, chỉ quan tâm đến tham vọng, lợi ích riêng của quốc gia mình thì sẽ có ngày “gậy ông đập lưng ông”.
Ông có lo ngại một kịch bản đối đầu xấu nhất xảy ra không? Và nếu có Việt Nam nên chuẩn bị những gì cho tình huống này, thưa ông?
Nếu Trung Quốc vẫn cố tình tiếp tục những hành động gây hấn thì sẽ có những hậu quả khó lường. Và hậu quả xấu cuối cùng không ngoại trừ là một cuộc xung đột quân sự.
Nhưng tôi cho rằng, điều này là rất khó xảy ra. Theo triết lý chiến tranh mới, một khi chiến tranh xảy ra thì sẽ không có nước nào thắng. Cuộc đụng độ quân sự này không chỉ là sự nguy hại cho các nước lớn mà cho toàn thế giới. Bởi các nước này không chỉ đóng vai trò quan trọng về mặt chiến lược, chính trị mà còn về kinh tế. Nên chắc chắn trước mỗi bước đi, các nước này đều phải cân nhắc thận trọng. Khả năng đụng độ là không nhiều.
Trung Quốc dù không hài lòng đến đâu cũng sẽ tìm cách kiềm chế Mỹ. Là một nước lớn có trách nhiệm, Mỹ cũng sẽ tìm ra một giải pháp hài hòa để giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Trong trường hợp này cả Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ đi đến những thỏa thuận riêng.
Việt Nam và các nước nhỏ trong khu vực phải xác định rõ đâu là lợi ích chung và đâu là lợi ích riêng của mình. Và đã là lợi ích riêng, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh, bảo vệ. Đâu là lợi ích chung chúng ta phải tham gia để không lẫn lộn. Đặc biệt, chúng ta cũng phải thận trọng để tránh rơi vào “bàn cờ” của các nước lớn. Bởi hiện tại cục diện Biển Đông đã thay đổi và Việt Nam cần tỉnh táo trước các bước đi mới của các nước này.
Hà Trang
(Thực hiện)