1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

NATO rầm rộ kéo đến Baltic đối phó Nga hay cứu mình?

Điều kiện cần và đủ cho NATO tồn tại là phải có kẻ thù, do vậy xác định kẻ thù, đi tìm kẻ thù là yêu cầu quan trọng của Brussels...

Chỉ để đối phó với Nga?

Truyền thông Pháp đưa tin, nhóm đầu tiên của quân đội Đức và Bỉ đã đến Lithuania ngày 24/1/2017 – một hoạt động nằm trong kế hoạch củng cố sườn đông của NATO và được cho là để đối phó với sự đe dọa từ nước Nga. Theo đó, một nhóm sỹ quan Đức đã tới thủ đô Vilnius, Lithuania để điều phối việc triển khai một tiểu đoàn 1200 quân, bao gồm lực lượng từ một số thành viên NATO.

Trước đó, khoảng 30 binh sĩ người Bỉ đã đến một sân bay khác ở miền tây Lithuania, trong khi một con tàu chở thiết bị hậu cần thả neo tại cảng Klaipeda, biển Baltic, theo phát ngôn viên quân sự của Lithuania Andrius Dilda. Ngoài các tiểu đoàn của Đức đóng tại Lithuania, Canada dẫn đầu một tiểu đoàn đa quốc gia ở Latvia, Anh triển khai tới Estonia và Mỹ ở Ba Lan.

Quân đội Đức đã tới thủ đô Vilnius, Lithuania.
Quân đội Đức đã tới thủ đô Vilnius, Lithuania.

Mùa hè năm 2016, NATO đã ra lệnh triển khai quân đội luân phiên thường trực tại sườn phía đông để đối phó với sự gia tăng hiện diện của quân đội Nga tại khu vực này. Nhà phân tích Deividas Slekys từ trường Đại học Vilnius cho biết việc triển khai này sẽ buộc Nga phải suy nghĩ kỹ lưỡng về bất kỳ hành động nào trong khu vực.

"Việc triển khai một tiểu đoàn được vũ trang khiến kịch bản can thiệp trở nên khó có thể xảy ra hơn. Nga sẽ cần phải tính toán việc Washington, London hay Berlin sẽ phản ứng ra sao", ông Deividas Slekys nói với AFP ngày 19/1/2017. Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite thì gọi quyết định của Berlin lãnh đạo một tiểu đoàn NATO là một bước đột phá khi quân đội Đức ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong sức mạnh phòng thủ của châu Âu.

Có thể thấy rằng, việc NATO tăng cường các biện pháp phòng thủ cũng như hiện diện quân sự tại sát biên giới nước Nga là sự thách thức Moscow hơn là để đối phó với sức mạnh Nga được Tổng thống Putin hồi phục. Như người viết đã từng phân tích, Washington và các đồng minh đã sai lầm khi thực hiện chiến lược “công không thèm thủ” với nước Nga thời hậu Xô viết.

Điều đó xuất phát từ ba nguyên nhân chính:

Thứ nhất, thế giới đơn cực - hình thành sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt – xoay quanh trục Mỹ, khiến cho vị thế thống soái của Washington gần như được mặc định. Thực tế đó khiến cho NATO, biểu hiện cao nhất của hệ thống cấu trúc an ninh chung Mỹ - Châu Âu được xem là tuyệt hảo và đầy uy lực trước mọi kẻ thù.

Thứ hai, tình hình Liên Xô trước khi sụp đổ và tình hình nước Nga trong thời kỳ đầu tiên thời hậu Xô viết rất hỗn loạn, khiến cho sức mạnh của một Liên Xô siêu cường không thể được duy trì trong thực thể thừa kế là nhà nước Nga. Sai lầm của Tổng thống Liên Xô Gorbachev khiến Liên Xô tan rã, còn sự thiếu chuẩn xác của Tổng thống Nga Yeltsin đã khiến cho nước Nga rệu rã.

Thứ ba, từ hai nguyên nhân khiến cho NATO được mặc định là hoàn hảo và duy nhất, Washington và các đồng minh đã chủ quan trước sự đổi thay quan trọng trong đời sống chính trị tại nước Nga, đó là sự kiện cựu điệp viên KGB Vladimir Putin bước vào điện Kremlin và nhanh chóng hồi sinh sức mạnh Nga. Khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra NATO mới giật mình, song tình hình có vẻ đã muộn.

Có thể thấy rằng, mọi sự điều động và triển khai quân sự của NATO hầu hết xuất phát từ những hiệu ứng bởi các nước đi của Tổng thống Putin trong cuộc chiến Gruzia và trong ván cờ Ukraine. Mọi động thái của NATO đều được Brussels lý giải là nhằm đối phó với sức mạnh Nga được hồi sinh có thể đe dọa cấu trúc an ninh chung Mỹ - Châu Âu, nhưng xem ra lý giải này không thuyết phục.

Bởi lẽ, sức mạnh Nga được Putin hồi sinh chưa thể trở thành đối trọng với sức mạnh của NATO và trong sách trắng về quân sự thì chiến lược của Moscow là đề phòng mọi sự đe dọa với nước Nga. Đây là một thực tế mà bất cứ chiến lược gia nào của NATO cũng không thể nghĩ khác, viết khác được.

Có thể nhận diện các hành động của Moscow trong cuộc chiến Gruzia và các nước đi trong ván cờ Ukraine đều xuất phát từ tình thế bị động. Kremlin đều phải phản ứng bởi tương kế tự kế, chứ không phải tấn công phủ đầu hay đe dọa khống chế. Đây là các quốc gia được Brussels xem là thành viên NATO tiềm tàng nên rõ ràng hành động của Moscow là đối phó với NATO chứ không phải ở chiều ngược lại.

Trong thời điểm hiện nay, Moscow đã tìm cách đẩy kẻ thù ra xa đầu ngõ bằng việc chuyển đối trọng Nga – phương Tây sang ván cờ Syria. Điều đó cho thấy, việc NATO điều binh đến biên giới nước Nga là nhằm thách thức Moscow chứ không thể là nhằm đối phó với Nga. Tại sao giới lãnh đạo NATO lại thực hiện và thúc đẩy thực hiện điều này mạnh mẽ như vậy?

NATO đang cứu mình?

NATO được thành lập là nhằm đối phó với sự đe dọa từ khối Hiệp ước Warszawa, mà cụ thể là NATO được sử dụng như một công cụ trong cuộc Chiến tranh Lạnh, biểu hiện quan trọng nhất của thế giới lưỡng cực Xô – Mỹ. Vì vậy, khi Liên Xô tan rã, khối Warszawa bị giải thể đã có nhiều ý kiến cho rằng NATO đã hoàn tất sứ mệnh và cũng phải chấm dứt sự tồn tại.

Tuy nhiên, nhiều chiến lược gia phương Tây cho rằng cấu trúc an ninh chung Mỹ - Châu Âu còn bị đe dọa bởi nhiều kẻ thù khác nên NATO vẫn phải tồn tại với những sứ mệnh mới. Như vậy, điều kiện cần và đủ cho NATO tồn tại là phải có kẻ thù đe dọa cấu trúc an ninh chung Mỹ - Châu Âu và việc xác định kẻ thù, đi tìm đối thủ là một trong những yêu cầu quan trọng của Brussels.

Khi chủ nghĩa khủng bố hoành hành, tấn công gây bất ổn tại cả Mỹ và châu Âu nhưng NATO lại không đi đầu trong trận tuyến với kẻ thù này. Điều đó cho thấy khi kẻ thù chỉ là những tổ chức thì dù có tấn công, chứ không chỉ là đe doạ, thì cũng không được nhận diện là đối thủ của NATO, như vậy đối thủ của NATO phải là những thực thể chính trị gắn liền với chủ quyển quốc gia.

Khi Iran – một thực thể được xem là kẻ thù của NATO – bị bẻ nanh qua việc tước bỏ bảo bối “phát triển kỹ thuật hạt nhân”, rõ ràng NATO chỉ còn lại duy nhất Nga là đối thủ của liên minh quân sự này. Việc Putin đưa đối trọng Nga – phương Tây sang ván cờ Syria là một trong những nguy cơ khiến NATO có thể hết sứ mệnh.

NATO động binh nhằm ly gián bộ đôi Trump - Putin? Ảnh: The Hill
NATO động binh nhằm ly gián bộ đôi Trump - Putin? Ảnh: The Hill

Bởi lẽ ván cờ Syria gắn liền với cuộc chiến chống lực lượng khủng bố IS - kẻ thù của NATO nhưng không được NATO thừa nhận – khi đó dù Nga có chiếm ưu thế thì NATO cũng không còn đầy đủ điều kiện để tồn tại. Có thể thấy rằng, đây là một nước đi của Putin đưa NATO vào tình thế hết sức nguy hại.

Để thoát ra khỏi tình thế ấy, NATO đã tìm cách chuyển đối trọng Nga – phương Tây về khu vực Đông Âu và vùng Baltic. Khi NATO quyết tâm gây bất ổn sát cạnh biên giới nước Nga thì đương nhiên Moscow sẽ có kế hoạch đáp trả. Thế là sự căng thẳng giữa Nga và NATO sẽ gia tăng mức độ nguy hiểm và cấu trúc an ninh chung Mỹ - châu Âu sẽ bị đe dọa nếu vắng NATO.

Trước tình thế ấy, dù tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có cho rằng NATO đã lỗi thời cũng không thể xóa bỏ cấu trúc này. Không những vậy, sự gia tăng mức độ căng thẳng Nga – NATO sẽ khiến cho quan hệ Nga – Mỹ dưới thời chính quyền Trump sẽ không thể thân thiện và đó là nền tảng vững chắc cho sự tồn tại của NATO.

Như vậy, có thể nhận diện việc NATO động binh rầm rộ là nhằm cứu mình hơn là đối phó với sức mạnh Nga.

Theo Ngọc Việt

Đất Việt