1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

NATO hoang mang khi Mỹ tuyên bố ưu tiên an ninh "nằm ở nơi khác"

Anh Minh

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết, Washington hiện cần phải tập trung vào đối phó với những mối đe dọa khác và đảm bảo an ninh biên giới cho nước Mỹ.

NATO hoang mang khi Mỹ tuyên bố ưu tiên an ninh nằm ở nơi khác - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth phát biểu trong cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại trụ sở của liên minh ở Brussels, Bỉ ngày 13/2 (Ảnh: Reuters).

Trong tuần này, chỉ qua một bài phát biểu, ông Pete Hegseth, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - quốc gia thành viên quyền lực nhất NATO, đã khiến liên minh quân sự lớn nhất thế giới rơi vào tình trạng hoang mang và làm dấy lên những câu hỏi đáng lo ngại về cam kết của Washington đối với an ninh châu Âu.

Hôm 12/2, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã phát biểu với gần 50 nước phương Tây ủng hộ Ukraine rằng ông tham gia cuộc họp để nói một cách rõ ràng và trực tiếp rằng "những thực tế chiến lược khắc nghiệt khiến nước Mỹ không thể chỉ tập trung hoàn toàn vào an ninh châu Âu".

"Mỹ đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng ở trong nước. Chúng tôi cần phải tập trung vào việc đảm bảo an ninh cho các khu vực biên giới", ông Hegseth tuyên bố.

Như một "gáo nước lạnh" giội vào các nước đồng minh, ông Hegseth cho biết Ukraine sẽ không lấy lại được toàn bộ lãnh thổ từ phía Nga và sẽ không được phép gia nhập NATO, cho dù đây được xem là một giải pháp bảo đảm an ninh tối thượng cho Kiev.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định, NATO sẽ không can dự vào bất cứ lực lượng tương lai nào có thể được triển khai giám sát hòa bình ở Ukraine. Các quốc gia châu Âu và những nước khác sẽ đảm nhiệm việc này cũng như sẽ phải bỏ tiền chi trả cho hoạt động đó. Ông Hegseth thẳng thừng bày tỏ việc binh lính Mỹ sẽ không tham gia vào bất cứ sứ mệnh nào như vậy. 

Ngoài ra, ông Hegseth còn tuyên bố NATO không cứu giúp bất cứ quốc gia châu Âu nào tham gia vào hoạt động bảo đảm hòa bình mà bị Nga tấn công. 

Phản ứng trước những tuyên bố trên của người đứng đầu Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu nói rằng, NATO thực sự đang phải đối diện với "khoảnh khắc của sự thật".

"Nhìn nhận từ quan điểm lịch sử, NATO là liên minh lớn nhất và hùng mạnh nhất trong lịch sử. Thế nhưng, câu hỏi thực sự đặt ra ở đây là liệu điều đó có còn đúng trong 10 hoặc 15 năm nữa hay không", ông Lecornu chất vấn. 

Ra đời năm 1949, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được 12 quốc gia thành lập nhằm chống lại các mối đe dọa đối với an ninh châu Âu đến từ Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Sứ mệnh chủ yếu của NATO là đối phó với Moscow, còn nó không được phép tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình bên ngoài khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.

Kể từ sau Hiệp ước Washington ký cách đây 75 năm, NATO đã mở rộng thành viên lên tới 32 quốc gia sau khi Thụy Điển gia nhập vào năm ngoái, chủ yếu cũng xuất phát từ những lo ngại liên quan đến Nga. 

Nội dung đảm bảo an ninh tập thể trong Điều 5 của Hiệp ước chính là yếu tố cốt lõi của tổ chức này. Theo đó, tất cả các quốc gia thành viên đưa ra cam kết chính trị sẽ hỗ trợ bất cứ thành viên nào mà chủ quyền hoặc lãnh thổ bị tấn công. 

Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth đã đặt ra những hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với liên minh, mặc dù ông nói Mỹ không có ý định rời khỏi NATO. 

NATO mở cửa đón nhận bất cứ nước châu Âu nào muốn gia nhập và có khả năng đáp ứng các yêu cầu và nghĩa vụ theo quy định. Điều quan trọng là, NATO đưa ra quyết định dựa trên đồng thuận, vì vậy bất cứ thành viên nào cũng có quyền phủ quyết. 

Như vậy, với phát biểu của mình, ông Hegseth gần như đã loại Ukraine ra khỏi danh sách ứng viên.

Mỹ là nước thành viên hùng mạnh nhất NATO, chi nhiều tiền cho quốc phòng hơn bất kỳ đồng minh nào khác và vượt xa các đối tác về sức mạnh quân sự. 

Vì vậy, Mỹ là quốc gia thúc đẩy các chương trình nghị sự của NATO. Bài phát biểu của ông Hegseth, về cơ bản được hiểu rằng "mọi việc sẽ diễn ra đúng như thế".

Dòng sự kiện: Chính quyền Trump 2.0