1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

NATO, các nước Baltic và cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu

Quyết định của NATO triển khai 4 tiểu đoàn đến các nước vùng Baltic và Ba Lan có thể dẫn đến một sự leo thang chiến tranh nguy hiểm tại khu vực này.

Ngày 29/4 vừa qua, tờ Wall Street Journal đăng tải thông tin theo đó, NATO có kế hoạch triển khai 4 tiểu đoàn (khoảng 4.000 quân) áp sát biên giới với Nga.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work đã xác nhận thông tin này và cho rằng, động thái trên của NATO nhằm phản ứng lại việc Nga tăng cường binh sĩ tại khu vực biên giới gần với các nước Lithuania, Latvia và Estonia.

Binh sĩ NATO tham gia một cuộc tập trận tại Ba Lan. Ảnh: AP
Binh sĩ NATO tham gia một cuộc tập trận tại Ba Lan. Ảnh: AP

Với những căng thẳng hiện nay trong quan hệ giữa phương Tây và Nga, động thái trên của NATO có thể được xem như lời cảnh báo rằng, Moscow không nên làm trầm trọng thêm tình hình dọc theo biên giới của các nước vùng Baltic.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, những lo ngại về việc Nga xâm lược các nước vùng Baltic có vẻ như bị phóng đại lên rất nhiều. Bên cạnh đó, người dân tại nhiều quốc gia ở châu Âu từ lâu đã phản đối việc triển khai quân đến phía Đông châu lục này.

Câu hỏi đặt ra là tại sao NATO lại công bố động thái triển khai 4.000 quân tới sát biên giới Nga vào thời điểm này? Đặc biệt nếu xét trong bối cảnh cuộc họp đầu tiên sau hai năm của Hội đồng Nga - NATO diễn ra vừa qua không có dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Moscow và các nước phương Tây đang nóng lên.

Nga sẽ tăng cường thêm quân để đối phó với NATO. Ảnh: Thetruthseeker
Nga sẽ tăng cường thêm quân để đối phó với NATO. Ảnh: Thetruthseeker

Phản ứng của Nga trước động thái tăng cường quân của NATO

Điện Kremlin có thể xem động thái triển khai một lượng lớn binh sĩ đến các quốc gia Baltic là một hành động khiêu khích. Điều này rất có thể sẽ khiến tình hình tại khu vực thêm căng thẳng

Bên cạnh đó, việc NATO triển khai quân áp sát biên giới có thể sẽ khiến Nga phải có những hành động cụ thể như triển khai thêm quân đến phần phía Tây của nước này, triển khai thêm các hệ thống tên lửa chiến thuật nhằm vào các đơn vị mới của NATO... Điều này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 5/5 tuyên bố, một nước Nga lớn mạnh sẽ không là mối đe dọa đối với bất cứ ai. Tuy nhiên, ông Peskov nói rằng nước Nga sẽ không bỏ qua bất cứ hành động nào đe dọa trực tiếp đến lợi ích quốc gia của mình.

Cũng cần phải lưu ý rằng, lực lượng quân đội mà Nga bố trí ở phía Tây Bắc nước này lớn hơn nhiều so với các lực lượng của NATO. Đầu năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thông báo rằng, vào cuối năm nay, 3 sư đoàn mới (mỗi sư đoàn khoảng hơn 16.000 quân) sẽ được Nga thành lập ở phía Tây nước này.

Các sư đoàn mới của Nga dự kiến được triển khai tại những khu vực gần biên giới với Ukraine, Belarus, các nước Baltic và Phần Lan.

NATO, các nước Baltic và cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu - 3

Đằng sau quyết định của NATO điều thêm quân tới biên giới với Nga

Theo kế hoạch triển khai quân của NATO tới các nước Baltic, trong số 4 tiểu đoàn, Mỹ sẽ cung cấp 2 tiểu đoàn, Anh và Đức mỗi nước sẽ gửi 1 tiểu đoàn. Số quân này được cho là sẽ triển khai tại Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan. Tuy nhiên cho đến nay, mới chỉ có Berlin công bố nhiều khả năng sẽ triển khai quân đến Lithuania. Số còn lại chưa rõ sẽ được triển khai tới đâu.

Đối với các quốc gia vùng Baltic, sau khi gia nhập NATO năm 2004, các nước này đã có một sự đảm bảo an ninh đáng tin cậy nhằm chống lại "mối đe dọa từ Nga". Với thực tế tại 3 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ không có bất kỳ một chiến đấu cơ hiện đại nào, NATO đã bắt đầu nhiệm vụ tuần tra và bảo vệ không phận các nước Baltic vào thời điểm đó.

Với 4 chiến đấu cơ được triển khai ban đầu tại căn cứ không quân Zokniai ở Lithuania, đến năm 2016, số chiến đấu cơ được NATO triển khai tại Đông Âu đã tăng lên 18 chiếc. Ngoài căn cứ không quân tại Lithuania, NATO cũng bắt đầu sử dụng căn cứ không quân Amari tại Estonia.

Trong giai đoạn 2014 - 2015, NATO cũng đã nhiều lần triển khai bộ binh tới các nước Baltic, cùng với xe tăng và thiết bị quân sự hạng nặng khác. Những binh sĩ này chủ yếu tham gia vào cuộc tập trận với kịch bản nhằm "chống lại cuộc xâm lược" giả tưởng của Nga.

Theo thống kê, hơn 6.000 binh sĩ NATO đã tham gia cuộc tập trận mang tên Steadfast Jazz - 2013 và Steadfast Jazz - 2015. Tuy nhiên, những binh sĩ này không đóng quân lâu dài ở các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Đầu năm 2016, Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ (EUCOM) đã công bố chiến lược quân sự mới tại châu Âu, trong đó việc ""ngăn chặn sự xâm lược của Nga" được nhắc đến như là một ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, các cuộc tập trận Steadfast Jazz là dịp để NATO phát triển các kỹ thuật chuyển quân tới các nước vùng Baltic và phối hợp hành động của họ.

Dựa trên việc phân tích các cuộc tập trận này, một số nhà phân tích cho rằng quân đội Nga sẽ chỉ cần từ 36 - 60 giờ để vượt qua sự kháng cự của lực lượng NATO và chiếm các thành phố thủ đô của các nước vùng Baltic, Trong khi đó, NATO sẽ cần ít nhất 72 giờ để triển khai lực lượng phản ứng nhanh ở châu Âu đến các khu vực chiến sự. Đây là một dự báo đáng thất vọng đối với phương Tây.

Xét trong bối cảnh như trên, việc NATO nỗ lực để tăng cường triển khai binh sĩ đến các nước vùng Baltic có vẻ đơn thuần chỉ mang tính chính trị. Nếu Washington và các đồng minh trong NATO thực sự lo sợ một cuộc xâm lược của Nga, họ sẽ cần phải đặt căn cứ tại toàn bộ các nước vùng Baltic./.

Theo Nguyễn Hùng/VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm