1. Dòng sự kiện:
  2. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Ông Trump bị ám sát hụt

Nạn nhân của chiến dịch “Ấn Độ tỏa sáng”

(Dân trí) - Cách trung tâm New Delhi khoảng 1 tiếng rưỡi chạy ô tô, GG Colony là nơi nương náu của những người lưu vong từng sống trong những khu dân nghèo. GG Colony là hình ảnh đối lập với những khu nhà sang trọng dành cho người giàu ở New Delhi.

Trong khung cảnh ảm đạm của những con đường dang dở, những cột điện không dây, những cống lộ thiên, là hình ảnh những túp lều tồi tàn chồng chéo lên nhau tạo thành một mớ hỗn độn không tên ở khu phố GG Colony. Những túp lều tạm được dựng lên từ những cọc gỗ và lợp bằng rơm bện, tấm nhựa mỏng, hay thậm chí là giấy.

 

"Chính quyền nói với chúng tôi rằng Thế vận hội châu Á sẽ diễn ra vào năm 2010, vì thế họ muốn xây dựng đường tàu điện ngầm và muốn "dọn sạch" Delhi". Rita, một người tị nạn Bangladesh sống cùng chồng và 2 con nhỏ (một đứa 5 tuổi và một đứa 3 tuổi) bên bờ sông Yamuna kể.

 

Rita cũng như hàng trăm nghìn người dân ở những khu phố nghèo của bang Delhi, đã trở thành nạn nhân của chiến dịch “Ấn Độ tỏa sáng”, một Ấn Độ trên hành trình đi đến thời kỳ quá độ đã tìm cách gạt bỏ những người nghèo khổ, một mảng tối khổng lồ trong bức tranh mạ vàng đẹp đẽ của đất nước.

 

Ông A.K.Roy của tổ chức phi chính phủ Hazards Centre, chuyên phụ trách vấn đề người lưu vong ở các khu phố nghèo, khẳng định rằng hiện nay, ở Delhi, trong tổng số 500.000 người bị "đẩy" ra khỏi nhà chỉ có 300.000 người được tái định cư. “Chính phủ đặt mục tiêu trước năm 2010 sẽ di dời 400.000 gia đình (khoảng 2 triệu người). Thế vận hội châu Á chỉ là cái cớ, mục đích thực sự của chiến dịch này là thương mại hóa đất đai”.

 

Rita đã mất tất cả sau khi bị ép buộc dời đi. “Tôi không có mặt ở đó khi nhân viên chính phủ đến phá hủy căn lều của chúng tôi và tôi hầu như không tìm lại được gì. Tôi thậm chí đã mất cả việc làm. Trước đó, tôi làm nhân viên phục vụ với mức lương 600 rupi/tháng (10,2 euro), còn chồng tôi lái xe ba bánh, anh kiếm được 50 đến 60 rupi/ngày (1 euro) sau khi trừ đi tiền thuê phương tiện. Đến đây được 7 tháng rồi mà không ai trong chúng tôi có việc làm”.

 

Một tấm ván gỗ và một tấm nhựa mỏng cũng đủ làm nên một cái quán nhỏ để Renu 28 tuổi và 5 đứa con nhỏ bán chè kiếm sống qua ngày. Họ đến từ khu phố nghèo Molchand cách đây 9 tháng và cũng không thể gây dựng một cuộc sống mới ở đây. "Chính phủ cho phép chúng tôi ở đây nhưng không ai giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi phải nộp 5.000 rupi (85,4 euro) để được cấp 12,5m2 đất ở trong 5 năm. Khu đất quá nhỏ so với gia đình lớn của chúng tôi. Tôi không biết phải làm gì nữa”. Người phụ nữ trẻ này từng là công nhân trong một xí nghiệp may mặc, với mức lương 1.800 rupi/tháng (30 euro). Khi chuyển đến nơi ở mới cô đã phải bỏ việc vì chi phí đi lại từ nhà mới đến chỗ làm chiếm hơn nửa lương của cô. “Không điện, không trung tâm y tế, không bệnh viện và 90% đàn ông ở GG Colony thất nghiệp”. Renu khẳng định.

 

New Delhi chỉ là một trong số nhiều thành phố khác phải chịu hậu quả của thời kỳ quá độ bị cho là nóng vội mà Ấn Độ đã trải qua. Người nghèo là nạn nhân chủ yếu và trực tiếp của quá trình này. Ông Pramilla Kamal, hiệu trưởng trường trung học cơ sở Amritsar ở bang Pendjab khẳng định: “Ở hầu hết các bang trên cả nước, xung đột giữa người giàu và người nghèo tăng lên và hậu quả là bạo lực xã hội leo thang”.

 

Bang Bengale-Occidental, dưới sự lãnh đạo của chính quyền cộng sản đang phải chịu những xung đột từ nhiều tháng nay. Hàng chục nông dân thiệt mạng vì đã từ chối bán đất cho các tập đoàn công nghiệp. Ở Orissa, người dân cũng không chịu di dời để các công ty tiến hành khai thác mỏ. Ở Bombay, trung tâm kinh tế của Ấn Độ, 600.000 người dân của khu phố nghèo lớn nhất châu Á là Dharavi đang ra sức chống lại chiến dịch tái định cư quy mô lớn, muốn đưa nhiều người dân đến những vùng ngoại ô xa trung tâm thành phố.

 

Bà Anouradha Bakshi của tổ chức phi chính phủ Project Why hoạt động vì quyền lợi của trẻ em nghèo ở Delhi cho rằng: “Một hố sâu ngăn cách Ấn Độ thành 2 thái cực. Sự vô cảm của người giàu đi liền với những ước mơ cháy bỏng của những người nghèo. Điều đó thật đáng sợ”. Bakshi thuộc tầng lớp giàu có trong xã hội, nhưng đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa để nỗ lực đem đến người vô gia cư cơ hội khẳng định vị trí trong xã hội thông qua giáo dục.

 

Tiến sĩ Jimmi Dabhy, Giám đốc Viện xã hội Ấn Độ lý giải: "Khi nền kinh tế ngày càng có ưu thế thì không gian dành cho người nghèo càng bị thu hẹp. 

 

Trong kỳ bầu cử năm 2004, Đảng nhân dân Ấn Độ đã bị thất bại vì không ủng hộ chiến dịch “Ấn Độ tỏa sáng”. Sau đó Đảng Quốc Đại lên thay thế và cũng không thay đổi quan điểm khi công khai thừa nhận: “Chúng ta không thể tiến về tương lai một cách liều lĩnh, chỉ với một nửa quốc gia tỏa sáng”. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã khẳng định như vậy trước Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo, với chủ đề “Ấn Độ - siêu cường tương lai” diễn ra hồi tháng 11/2006. Ông Roy cảnh báo: “Việc gạt bỏ người nghèo ra ngoài lề xã hội sẽ tạo điều kiện dẫn đến nội chiến. 300 triệu người đã sẵn sàng phản kháng. Chính xác là họ chỉ còn thiếu những nhà lãnh đạo! 

 

HH

Theo Lemonde