1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Năm 2016: Bị Nga trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ "đã khốn còn thêm khó"

Cácchuyên gia bình luận quốc tế cho rằng, 2016 sẽ là năm rất khó khăn đối với kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh nước này đã bắt đầu gánh chịu hậu quả ghê gớm từ lệnh trừng phạt của Nga.

Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nếm “trái đắng”

Tờ Today’s Zaman của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8-1 cho biết, một hậu quả rất tai hại là trong thời gian tới các công ty bán buôn trái cây và rau quả của nước này sẽ bắt đầu bị phá sản vì những biện pháp trừng phạt của Nga, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.

Tờ báo nhận định, 2016 là một năm rất khó khăn đối với ngành nông nghiệp và du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, các công ty xuất khẩu nông sản và kinh doanh du lịch ở tỉnh Antalya bị ảnh hưởng nhiều nhất, khiến nền kinh tế của tỉnh đứng dầu nước này về nông nghiệp và du lịch có thể sẽ suy sụp.

Một thông tin không mấy vui vẻ nữa là khách sạn lớn nhất của người Thổ Nhĩ Kỳ ở Moscow là Swissotel Krasnye Holmy - một trong những tòa nhà cao nhất ở thủ đô Moscow, cũng vừa phải ngừng hoạt động vì lệnh trừng phạt của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Báo chí Nga cho hay, Swissotel Krasnye Holmy đã ngừng đặt và bán phòng kể từ ngày 30-12, một ngày trước khi nghị định của chính phủ Medvedev về việc nghiêm cấm hoạt động của các khách sạn thuộc quản lý của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc do các công dân nước này kiểm soát, bắt đầu có hiệu lực ở Nga.

Nghị sỹ Thổ Nhĩ Kỳ Çetin Osman Budak cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại hãy còn chưa chịu tác động đầy đủ của cuộc khủng hoảng. Nhưng trong tương lai, theo hiệu ứng domino, cuộc khủng hoảng sẽ nhấn chìm chuỗi sản xuất, cung ứng và xuất khẩu nông sản nước này.

Từ doanh nghiệp xuất khẩu lớn đến các đại lý trung gian, những nhà bán thuốc và phân bón, các cơ sở sản xuất hạt giống, cây con, các công ty cung cấp nhà kính cho đến người nông dân nước này sẽ gánh chịu thiệt hại liên hoàn từ lệnh cấm vận của Nga.

Năm 2016: Bị Nga trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ "đã khốn còn thêm khó" - 1

Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong giai đoạn căng thẳng tột độ

Trong đó, lệnh cấm nhập khẩu nông sản và phong tỏa du lịch của Nga có thể khiến tỉnh mũi nhọn về các ngành này của Thổ Nhĩ Kỳ là Antalya phải đối mặt với nguy cơ suy sụp về kinh tế, sau khi đã chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng của nền kinh tế Nga trong 2 năm qua.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ lỡ cơ hội vì xung đột với láng giềng

Bình luận về những vấn đề này, kênh CNBC cho biết, sự khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ qua vụ máy bay tiêm kích F-16 của không quân nước này bắn rơi máy bay Su-24 Nga, đã khiến Ankara mất tất cả lợi thế kinh tế.

Trưởng chi nhánh Trung và Đông Âu của UniCredit Bank AG Lubomir Mitov đã cho CNBC biết rằng, 2015 là một năm thất bại đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vì nước này đã bỏ lỡ nhiều cơ hội bằng vàng trong phát triển, do sự tồi tệ trong tình hình địa chính trị mang lại.

Tờ Asia Times nhận định rằng, hiện nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không có quá nhiều cơ sở để lạc quan. Xuất khẩu năm 2015 đã giảm 8,4%. Trong năm 2016, khi những lệnh trừng phạt của Nga chống Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu có hiệu lực, chỉ số xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm với tốc độ nhanh hơn.

Chuyên gia Peter Toogood, người quản lý tài sản của City Financial Company Limited cho biết rằng, một trong những lý do kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không hiệu quả là thiếu cải cách cơ cấu.

Theo chuyên gia, năm nay Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy ví dụ nổi bật nhất về việc có thể ngay lập tức mất tất cả những lợi ích kinh tế. Với giá dầu sụt giảm hiện nay, nhẽ ra Thổ Nhĩ Kỳ phải thể hiện sự tăng trưởng đột xuất đầy ấn tượng, nhưng chính quyền của ông Erdogan đã không làm được gì.

Năm 2016: Bị Nga trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ "đã khốn còn thêm khó" - 2

Mọi liên hệ giữa hai nước đã bị đình chỉ sau vụ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 Nga

Nhà phân tích Mitov cũng cho rằng, lẽ ra Thổ Nhĩ Kỳ có thể thu được lợi ích to lớn từ tình hình ở châu Âu, nơi mà các ngân hàng trung ương tích cực mua tài khoản để cố giữ cho nền kinh tế thịnh vượng. Hơn nữa, nhẽ ra Ankara đã có thể kiếm được khoản tiền lớn khi giá dầu xuống thấp.

Trước đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục cố gắng duy trì mối quan hệ “không thù địch” với các nước láng giềng, nhưng hiện nay gần như không có nước láng giềng nào mà chính quyền Erdogan không đối đầu.

Xung đột chính trị nội bộ và các cuộc đụng độ trên trường quốc tế với các quốc gia xung quanh như Iraq, Syria, Ai Cập… và quan hệ thù địch với Nga, đã tước mất tất cả những lợi thế mà nhẽ ra chính quyền Recep Tayip Erdogan đã có thể tận dụng, ông Lubomir Mitov nói.

Vũ khí trừng phạt kinh tế của Nga lợi hại thế nào?

Tình hình này ngày càng trầm trọng hơn sau những căng thẳng gia tăng trong quan hệ với Moscow do sự cố F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24. Nga đã giáng đòn vào lĩnh vực nông nghiệp và du lịch nước này và xiết chặt chế độ thị thực với Ankara, ông Mitov nói.

Suy thoái quan hệ thương mại và kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là điều không thể tránh khỏi. Kim ngạch thương mại giữa hai nước giảm rõ rệt. Trong năm 2016, số khách du lịch Nga tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm hơn 4 triệu lượt (số liệu năm 2014 là 4,479 triệu) so với năm nay.

Năm 2016: Bị Nga trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ "đã khốn còn thêm khó" - 3

Cùng với việc Nga chấm dứt hàng loạt dự án lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngành xuất khẩu nông sản và du lịch nước này đã bị giáng một đòn mạnh

Trong tay tổng thống Vladimir Putin, "vũ khí kinh tế" hiệu quả hơn nhiều, thậm chí là so với cả vũ khí hạt nhân. Và hiệu quả của loại vũ khí này sẽ phát huy tác dụng phá hoại khủng khiếp của nó trong tương lai. Bên cạnh đó, Moscow vẫn còn những con bài dự trữ để hạ gục Ankara.

Việc Nga ngừng dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và đình chỉ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu cho Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến nước này mất đi quá nhiều đặc lợi từ Moscow, ví dụ như hàng tỷ USD tiền trung chuyển khí đốt, nguồn vốn ưu đãi trong xây dựng cơ sở hạ tầng của Nga….

Ngoài ra, 65% nhu cầu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ phải nhập từ Nga, nếu nguồn cung này bị ngừng lại, điều gì sẽ xảy ra với nước này? Ankara sẽ không thể thay thế được lượng khí gas này, ngay cả trong vài năm tới. Tuy kịch bản "phong tỏa khí đốt" là khó xảy ra nhưng không có nghĩa là không thể.

Với việc bắn hạ máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 Nga trên lãnh thổ Syria, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trước hết đã gây hại cho bản thân mình. Đòn trừng phạt kinh tế của Nga có thể khiến chính quyền Ankara suy yếu ngay trong năm 2016.

Các chuyên gia quốc tế nhận định rằng, không thể loại trừ khả năng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị trì trệ sâu, dẫn đến khủng hoảng chính trị trong nước, có thể làm lung lay chính quyền hiện nay ở Ankara, nếu ông Erdogan còn tiếp tục theo đuổi chính sách hiện nay.

Theo Nguyễn Ngọc (tổng hợp)

An ninh thủ đô