1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đằng sau nguồn tin cựu ngoại trưởng Iraq làm gián điệp cho Mỹ

Naji Sabri, vật tế thần?

Theo đài truyền hình Mỹ NBC, Naji Sabri – ngoại trưởng Iraq thời Saddam Hussein – từng bán thông tin cho CIA với giá 100.000 USD. Ông Sabri phản đòn: “Nói láo không có căn” và dọa sẽ đi kiện.

Ngày 20/3, nhóm phóng viên điều tra đài truyền hình NBC tung tin giật gân: “Ông Naji Sabri từng cung cấp những thông tin bí mật về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq cho Trung ương Tình báo (CIA) Mỹ. Câu chuyện tình báo này là một trong những bí mật chiến tranh Iraq chưa từng tiết lộ”.

Trả tiền nhưng không tin

Dẫn các nguồn tin dấu tên vì "đề tài quá nhạy cảm ", NBC cho biết vào tháng 9/2002, ông Sabri thay mặt tổng thống (TT) Saddam Hussein đến New York dự họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trước mặt các nhà ngoại giao quốc tế, ông Sabri tuyên bố Iraq không có vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và tố cáo Mỹ lên kế hoạch tấn công Iraq vì “Mỹ muốn chiếm dầu lửa” của Iraq.

Tuy nhiên, bên lề chuyến đi này, ông Sabri lại tiếp xúc bí mật với nhân viên CIA thông qua một “thành phần thứ ba” (tình báo Pháp) tại khách sạn New York City. Cũng thông qua trung gian này, CIA trả cho Sabri 100.000 USD (gần 1,6 tỉ VND) gọi là “tiền tin tưởng” sau khi Sabri cung cấp những thông tin bí mật về WMD của Iraq.

Ông Sabri cung cấp thông tin gì?

Rằng, trái với nghi ngờ của, Saddam không có chương trình sản xuất vũ khí hóa học nào đáng kể, đặc biệt là sản xuất vi trùng bệnh than. Sabri cũng cho biết, mặc dù ông Saddam muốn có bom hạt nhân, Iraq không thể có được nó trong “vài tháng hay một năm” như CIA thường rêu rao. Trong cả 2 trường hợp này, ông Sabri nói hoàn toàn sự thật. Ông chỉ cung cấp sai thông tin về “kho chứa 500 tấn khí độc hóa học “và “chương trình tái sản xuất các loại khí giết người này”. CIA cho rằng có và Sabri đã xác nhận chuyện này. Sự thật là cả CIA lẫn Sabri đều lầm. Các chuyên gia Mỹ giải thích rằng TT Saddam Hussein đã nói gạt cả những người thân tín của ông – kể cả ông Sabri - về kho vũ khí hóa học.

Vấn đề là trước cuộc gặp nói trên, CIA đã báo cáo với TT Bush rằng ông Saddam có trong tay WMD, nhất là vũ khí hóa học, hơn nữa Iraq còn bị tình nghi tiếp tay Osama Bin Laden tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001. Cho nên ông Sabri nói 3 chuyện kể trên thì CIA chỉ tin chuyện “500 tấn khí độc” vì nó phù hợp với cáo buộc của Mỹ, còn 2 chuyện kia CIA không tin vì để lộ ra nó sẽ phá hỏng uy tín của CIA. Không tin, nhưng CIA vẫn thưởng tiền vì hy vọng sẽ xúi giục được nhân vật cao cấp tín cẩn này của TT Saddam đào ngũ sang Mỹ gây chấn động thế giới. Nhưng ông Sabri đã cương quyết từ chối lời mời ngọt ngào được lặp đi lặåp lại rất nhiều lần. Bực mình, ông cắt đứt quan hệ với CIA.

Toàn bịa đặt

Bản tin của NBC được hầu hết các hảng tin phương Tây đăng lại trong bối cảnh trên thế giới diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối Mỹ tiến hành cuộc chiến Iraq, yêu cầu liên quân Mỹ và các nước đồng minh rút khỏi Iraq nhân kỷ niệm 3 năm Mỹ tấn công Iraq. Bản tin phát được 2 ngày thì từ Amman, thủ đô nước Jordan, ông Sabri lên tiếng phủ nhận tất cả những gì đài NBC nói. Ông tuyên bố với hãng tin AFP (Pháp): “Thông tin của NBC hoàn toàn vô căn cứ và bịa đặt. Sau khi nói dối về WMD không có thật và bịa chuyện Iraq dính dáng với Al- Qaeda, có vẻ như lần này họ lại nói dối nhằm mục đích đưa ra cái cớ mới để biện hộ cho tội ác của thế kỷ, đó là xâm lăng Iraq”.

Ông tố cáo đài NBC đã “âm mưu một cách tuyệt vọng phá hoại danh tiếng của những lãnh tụ Iraq yêu nước, những người chống lại một cách ngoan cường kế hoạch xâm lăng Iraq của Mỹ, Anh và những kẻ theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái”.

Ông Sabri còn tiết lộ: “Cách đây vài tuần, đài truyền hình Mỹ có yêu cầu tôi – với một thái độ gần như ép buộc – trả lời phỏng vấn. Tôi đã ngỏ lời xin lỗi, nói không thể được và từ chối gặp phóng viên”. Ông cho biết đang tiếp xúc với các luật sư để xem xét việc khiếu kiện đài NBC.

Đáng chú ý là, tuy giữ chức vụ cao cấp và là người thân tín của ông Saddam Hussein, nhưng Sabri không thuộc diện truy nã của Mỹ sau chiến tranh, trong khi tất cả những quan chức khác trong chính phủ ông Saddam đều là đối tượng truy nã dưới hình thức “bộ bài Tây”.

Nhà kỹ trị

Tên đầy đủ của ông Sabri là Naji Sabri Ahmad al-Hadithi, tín đồ Hồi giáo phái Sunni. Ông nguyên là giáo sư dạy môn văn học Anh tại trường Đại học Baghdad. Trong cuộc chiến vùng Vịnh (1991), ông làm thứ trưởng Bộ Thông tin Iraq. Năm 1998, đại sứ Iraq tại Áo và năm 2001 làm ngoại trưởng Iraq. Ông từng làm chủ bút một nhật báo tiếng Anh của Iraq và dịch sách tiếng Anh sang tiếng Ảrập.

Ông là người hoạt động rất tích cực tìm kiếm sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và cả cựu thù Iran để chống lại kế hoạch xâm lăng Iraq của Mỹ và đồng minh của Mỹ. Tháng 3/2003, trong khi Mỹ chuẩn bị đơn phương tấn công Iraq thì ông Sabri bất ngờ đưa cả gia đình đến Damacus, thủ đô Syria, tránh chiến tranh. Sau đó ông đến Ai Cập và được chính phủ nước này – với sự đồng thuận của Mỹ – bảo đảm an ninh. Hiện nay, ông và gia đình định cư ở Doha, thủ đô nước Qatar, dạy Khoa Báo chí trường Đại học Qatar.

Các nhà phân tích phương Tây đánh giá ông Sabri là một nhà kỹ trị hơn là chính khách.

 

Theo Nguyễn Cao

Người lao động/NBC, AFP