Nấc thang mới của cuộc so kè Mỹ - Nga
(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin ngày 14/7 đã ký sắc lệnh về việc Liên bang Nga ngừng tham gia Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), một hành động chắc chắn sẽ làm trầm trọng hơn quan hệ giữa Nga và phương Tây.
Hệ quả được báo trước
Quyết định có hiệu lực ngay lập tức này của Matxcơva được đưa ra sau một thời gian Nga kiên quyết đòi Mỹ và khối NATO xem xét lại việc thực hiện các quy định của hiệp ước để bảo đảm thế cân bằng lực lượng giữa Nga và NATO nhưng không được đáp ứng.
Trong thông điệp liên bang ngày 26/4/2007, Tổng thống Putin tuyên bố có thể Nga sẽ ngừng thực hiện CFE. Theo yêu cầu của Nga, hội nghị khẩn cấp của các nước tham gia CFE đã được tổ chức tại thủ đô Viên (Áo) ngày 12-13/6/2007 vẫn không giải quyết được những bất đồng sâu sắc trong lập trường của Nga và NATO.
CFE được 22 nước thuộc hai khối quân sự - chính trị NATO và Hiệp ước Warsaw ký kết ngày 19/11/1990 tại Pari nhằm cân bằng tiềm lực quân sự giữa hai bên.
Hiệp ước đã có hiệu lực từ ngày 9/11/1992. Nga đã cắt giảm gần 12 nghìn đơn vị vũ khí, gồm xe tăng, xe bọc thép, đại bác trên 100 mm, máy bay và máy bay lên thẳng. Ngoài ra, Nga cũng đơn phương tiêu hủy gần 20 nghìn đơn vị vũ khí và thiết bị kỹ thuật quân sự ở ngoài khu vực áp dụng hiệp ước.
Nhưng hành động thiện chí của Nga không được NATO hưởng ứng. NATO đã vi phạm cam kết về việc không mở rộng và không tiếp nhận những thành viên mới từ phe xã hội chủ nghĩa trước đây. Kết quả là khối lượng trang thiết bị quân sự của NATO nhiều hơn Nga gần 3 lần ở các khu vực áp dụng CFE. Tính đến 1/1/2006, Nga có 4.999 xe tăng trong khi NATO có 14.693 xe tăng; Nga có 5930 đại bác, NATO có 16.627.
Để phần nào điều chỉnh CFE cho thích hợp với tình hình mới đã khác hẳn so với thời điểm ký hiệp ước, các bên đã ký kết một hiệp định sửa đổi CFE tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 1999. Nhưng hiệp định này vẫn chưa có hiệu lực vì chỉ được bốn nước (Nga, Bêlarút, Cadắcxtan và Ucraina) phê chuẩn.
Nga tố cáo NATO cố tình trì hoãn việc phê chuẩn CFE đã điều chỉnh; ngoài ra, nhiều diễn biến chính trị - quân sự ở châu Âu rất bất lợi cho Nga, như các nước vùng Bantích, Nam và Đông Âu đã gia nhập NATO; Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở châu Âu.
Nga cho rằng CFE đã lỗi thời, CFE bị Mỹ và các nước NATO lợi dụng để tìm cách phá vỡ thế cân bằng chiến lược đạt được trong những năm "chiến tranh lạnh" và từng bước xây dựng những hệ thống có thể vô hiệu hóa tiềm lực hạt nhân của Nga.
Lẽ nào Matxcơva có thể chấp nhận điều đó - một tình hình đi ngược lại các lợi ích của Nga như vậy?
Một động thái mang tính biểu tượng?
CFE được coi là một trong những nhân tố chủ chốt góp phần "duy trì sự ổn định" tại châu Âu. Việc rút khỏi CFE sẽ cho phép Nga tăng cường lực lượng và vũ khí gần các đường biên giới của nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Nga lại cho rằng việc nước này đình chỉ tham gia CFE chưa chắc sẽ dẫn tới một sự leo thang quân sự.
Một chuyên gia quốc phòng tại Matxcơva, Pavel Felgenhauer, cho biết việc Nga hoãn tham gia CFE sẽ không dẫn tới bất cứ sự tăng cường lớn nào về các vũ khí hạng nặng tại phần lãnh thổ châu Âu của Nga. Theo ông, Nga không hứng thú gì với việc xây dựng các lực lượng với chi phí lớn bởi nước này hiện không phải đối mặt với đe doạ quân sự thực sự nào và cũng không có kế hoạch phát động một cuộc tấn công để chống lại bất cứ nước nào.
Theo ông Felgenhauer, đối với Mỹ, việc đình chỉ này hầu như cũng chỉ mang tính biểu tượng, bởi Mỹ đã có một mạng lưới tình báo rộng khắp có thể theo dõi sát sao mọi biến động của các lực lượng Nga. Tuy nhiên, ông cũng dự đoán Mỹ sẽ coi hành động này là một bước đi thiếu thiện chí nữa của Nga. Và việc Nga rút khỏi hiệp định trên có thể chỉ là chuyện tăng "tiền tố" trong ván bài với Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa.
Trong một động thái có liên quan đưa ra ngay sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh trên, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố cho biết những đề nghị của Nga về "các biện pháp khôi phục sức sống" của CFE vẫn ở trên bàn thương lượng.
Tuyên bố nói: "Quyết định của Nga ngừng thực hiện CFE không có nghĩa là Nga đã cắt cầu đối thoại. Nếu những vấn đề do Nga nêu ra được giải quyết thì có thể bảo đảm một cách nhanh chóng việc các bên cùng thực hiện các quy định trong hiệp ước". Bộ Ngoại giao Nga cho biết về mặt thủ tục, việc ngừng hiệu lực của các thỏa thuận quốc tế đối với Nga trong lĩnh vực này chỉ bắt đầu 150 ngày sau khi các nước tham gia CFE nhận được thông báo của Nga (Bộ Ngoại giao Nga bắt đầu thông báo từ ngày 14/7).
Phản ứng trước quyết định trên của Nga, NATO cùng ngày đã tỏ ý lấy làm tiếc về hành động này, miêu tả đây là một "bước đi sai hướng". Phát ngôn viên của NATO, James Appathurai nói: "Các đồng minh NATO coi hiệp ước trên là một nền tảng quan trọng cho sự ổn định của Châu Âu. NATO lấy làm tiếc về quyết định của Nga. Đây là một bước đi sai hướng".
Có thể là một phép thử mới của Nga với phương Tây, nhưng hành động này chắc chắc sẽ đẩy cuộc tranh giành địa chiến lược giữa Nga-phương Tây lên một nấc thang mới gay go hơn, phức tạp hơn.
Kiến Văn