Mỹ vạch "lằn ranh đỏ" với Ukraine
(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã vạch ra các "lằn ranh đỏ" cũng như yêu cầu của Tổng thống Donald Trump đối với Ukraine trong nỗ lực giải quyết xung đột.
![Mỹ vạch lằn ranh đỏ với Ukraine - 1 Mỹ vạch lằn ranh đỏ với Ukraine - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/tiVZ6h9b6IhosBZZVFvShO4poxg=/thumb_w/1020/2025/02/13/trumpreuters-1739434105318.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Trong bài phát biểu tại trụ sở NATO hôm 12/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã nêu các chi tiết cho một thỏa thuận trong tương lai mà Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ đạt được về việc chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine.
"Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng, việc đổ máu phải dừng lại và cuộc chiến này phải kết thúc", ông Hegseth tuyên bố.
Bộ trưởng Hegseth cho biết việc cố gắng đưa Ukraine trở lại biên giới trước năm 2014 là một "mục tiêu không thực tế".
Nhiều thành viên NATO cũng đồng ý với Bộ trưởng Hegseth rằng việc Ukraine giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea từ Nga là không thực tế. Ngay cả Tổng thống Zelensky cũng không nhấn mạnh đây là tiền đề cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Năm 2014, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea, phía Nam Ukraine. Đến cuối năm 2022, không lâu sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga tiếp tục tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh ở Ukraine gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk và Donetsk. Tổng cộng Nga kiểm soát gần 20% lãnh thổ Ukraine và đang giành ưu thế trên chiến trường.
Ông Hegseth cũng bác bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO. Lãnh đạo Lầu Năm Góc tuyên bố "Mỹ không tin rằng việc kết nạp Ukraine vào NATO là kết quả thực tế của giải pháp sau quá trình đàm phán". Đây được xem là "lằn ranh đỏ" của Mỹ trong bối cảnh Ukraine vẫn giữ tham vọng được kết nạp vào NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng tình với lập trường của Tổng thống Trump, gọi tham vọng gia nhập NATO và mục tiêu giành lại tất cả các vùng lãnh thổ đã mất của Ukraine là "không thực tế".
Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ không đưa quân đến Ukraine trong bất kỳ thỏa thuận đảm bảo an ninh nào.
"Cần phải nói rõ rằng Mỹ sẽ không triển khai binh lính đến Ukraine như một phần của bất kỳ đảm bảo an ninh nào", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố.
Về an ninh châu Âu, ông Hegseth đồng tình với yêu cầu của Tổng thống Trump rằng NATO phải tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, lên 5% GDP.
Mặc dù ông cho biết Washington vẫn cam kết với NATO, nhưng Mỹ sẽ "không còn chấp nhận một mối quan hệ mất cân bằng" mà trong đó châu Âu chi trả ít hơn.
Bình luận của ông Hegseth được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đang nỗ lực chấm dứt xung đột Ukraine.
Ông Trump cũng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng Ukraine gia nhập NATO, lập luận rằng điều này có thể làm gia tăng căng thẳng với Nga và các quốc gia châu Âu nên chịu trách nhiệm lớn hơn cho an ninh của chính họ.
"Cá nhân tôi nghĩ rằng việc này không thực tế... Họ đã nói như vậy trong một thời gian dài, rằng Ukraine không thể gia nhập NATO, và tôi đồng ý với điều đó", ông Trump nói hôm 12/2.
Trong khi đó, Moscow từ lâu đã phản đối nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine, coi đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra xung đột hiện nay.
Điện Kremlin tuyên bố rằng việc NATO mở rộng về phía biên giới Nga đe dọa đến an ninh của Moscow. Nga nhấn mạnh Ukraine phải áp dụng quy chế trung lập như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
Các quan chức Nga cũng cảnh báo việc tiếp tục viện trợ quân sự của phương Tây cho Kiev chỉ kéo dài tình trạng căng thẳng và làm phức tạp thêm nỗ lực đàm phán.
Việc chính quyền ông Trump sẵn sàng xem xét một số yêu cầu của Nga, bao gồm cả việc ngăn Ukraine gia nhập NATO, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Mỹ.