1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ và Israel quyết “bỏ đói” Hamas

Trong khi Nga muốn tiếp cận Hamas - lực lượng chính trị vũ trang vừa thắng cử tại Palestine, thì Mỹ và Israel vẫn không công nhận nhóm này. Báo New York Times vừa tiết lộ một kế hoạch triệt hạ Hamas mà hai nước đồng minh này đã vạch ra.

Dẫn các nguồn tin ngoại giao phương Tây, tờ New York Times ngày 14/2 cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ và Chính phủ Israel đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán "cấp cao nhất" để bàn cách hạ bệ Hamas. Chiến thuật mà hai nước đã vạch ra là phương Tây sẽ "bỏ đói" chính quyền Palestine khiến Hamas mất dần vị thế trong lòng dân. Sau đó, một cuộc bầu cử sẽ tổ chức lại theo kịch bản bất lợi cho Hamas.

 

Theo ý của Mỹ và Israel, Hamas phải công nhận sự tồn tại của Israel, từ bỏ đường lối bạo lực và tôn trọng các thỏa thuận trước đây giữa chính quyền Palestine và Israel, bằng không thì lực lượng này sẽ bị cô lập và cuối cùng sẽ sụp đổ.

 

Sau khi thắng cử, Hamas đã nhiều lần bác bỏ khả năng từ bỏ bạo lực đồng thời tuyên bố không công nhận nhà nước Do Thái. Chính vì điều đó, khả năng Mỹ và Israel áp dụng chiến dịch triệt hạ tổ chức vốn bị phương Tây liệt vào danh sách khủng bố này là rất lớn.

 

Thực ra, chiến thuật ngưng viện trợ cho Palestine không phải là điều mới. Sau khi Hamas thắng cử hồi tháng trước, phương Tây từng đe dọa sẽ rút khoản viện trợ gần 1 tỉ USD mỗi năm cho Palestine. Chính phủ Israel cũng dọa sẽ ngừng việc chuyển 50 triệu USD tiền thuế mà nước này "thu giùm" cho chính quyền Palestine một khi Hamas lên cầm quyền.

 

Ngoài ra, các lệnh cấm đi lại cũng sẽ được áp dụng, bao gồm cả việc cấm đi lại hoàn toàn giữa Dải Gaza và Bờ Tây. "Nếu họ (Hamas) lựa chọn sai, tình hình sẽ trở nên tồi tệ", một quan chức ngoại giao phương Tây giấu tên bình luận trên New York Times. Quan chức này cũng cảnh báo phương Tây sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ nếu quyết triệt hạ Hamas bởi khi đó, lực lượng này sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm sự ủng hộ từ thế giới Hồi giáo và điều đó có thể khiến thế giới chia rẽ sâu sắc hơn, Trung Đông cũng sẽ nóng bỏng hơn.

 

Vì lo ngại tình hình sẽ xấu đi, Chính phủ Nga đã gửi lời mời Hamas tới thăm Moscow nhằm thuyết phục tổ chức này từ bỏ con đường bạo lực, tiến tới giải tỏa bất đồng với phương Tây. Sau Nga, Pháp cũng cho rằng cần phải đàm phán để giải quyết các vấn đề xung quanh Hamas. Phó tổng thống Venezuela V.Rangel rót thêm vào bầu không khí hòa nhã đó một giọt nước mát: "Nếu họ (Hamas) đến thăm, chúng tôi sẽ tiếp. Có vấn đề gì đâu? Họ vừa vượt qua một cuộc bầu cử mà!".

 

Trước thiện chí từ bên ngoài, Hamas có vẻ như đã "mềm" hơn một chút. Sau khi tuyên bố sẽ chọn người trong tổ chức làm thủ tướng mới của Palestine, hôm 13/2, đại diện Hamas cho biết thủ tướng cũng có thể là "người ngoài".

 

Tuy nhiên, bầu không khí êm dịu có vẻ sẽ không kéo dài. Đầu tuần này, Israel tiếp tục kêu gọi tẩy chay Hamas và chỉ trích việc Nga mời tổ chức này đàm phán. Ngoại trưởng Đức F.Steinmeier cũng ủng hộ Israel: "Châu Âu sẽ không thương lượng với Hamas vào thời điểm hiện nay, khi mà tổ chức này vẫn nằm trong danh sách khủng bố".

 

Theo Đỗ Hùng

Thanh niên/AP, AFP, Reuters, Haaretz