1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ và EU bàn biện pháp tăng cường trừng phạt Nga

(Dân trí) - Trong chuyến công du đang diễn ra tại Brussels, Bỉ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cùng bàn thảo với các lãnh đạo EU về những biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định các cân nhắc xoay quanh vấn đề năng lượng.

Mỹ và EU đang tìm cách tăng cường trừng phạt Nga
Mỹ và EU đang tìm cách tăng cường trừng phạt Nga

Ông Obama cho biết “năng lượng chắc chắn là vấn đề trung tâm trong những nỗ lực của chúng tôi”, và thừa nhận rằng chúng “sẽ có tác động tới nền kinh tế toàn cầu”.

Tuyên bố trên được Tổng thống Mỹ đưa ra sau các cuộc hội đàm tại Brussels với lãnh đạo EU.

Trong một phát biểu sau đó, ông khẳng định người Nga “thừa nhận rằng họ không thể có được an ninh, thịnh vượng và vị thế…thông qua vũ lực”.

“Đó là lí do vì sao, trong cuộc khủng hoảng này, chúng ta sẽ kết hợp gây áp lực lớn đối với Nga, với một cánh cửa ngoại giao để ngỏ”, ông Obama phát biểu với công chúng trước khi kết thúc chuyến thăm Brussels.

Căng thẳng giữa phương Tây và Nga hiện ở mức cao, sau khi bán đảo Crimea của Ukraine được sáp nhập vào Nga, sau một cuộc trưng cầu dân ý mà Kiev và phương Tây cho là phi pháp.

Ông Obama, cùng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barosso đã nhấn mạnh rằng EU và Mỹ thống nhất quan điểm về vấn đề Ukraine.

“Thế giới an toàn hơn và công bằng hơn khi châu Âu và Mỹ đứng về một phía”, ông Obama tuyên bố. Còn ông Van Rompuy gọi đây là mối quan hệ “thiết yếu”.

Ông Obama cũng ngợi khẹn EU về những bước đi họ đã thực hiện cùng với Mỹ để trừng phạt Nga. Những biện pháp này bao gồm cấm đi lại và phong tỏa tài sản một số quan chức Nga.

Ông chủ Nhà Trắng khẳng định các biện pháp này được thực hiện sau khi các lực lượng Nga tiến vào để sáp nhập Crimea, và họ giờ phải cân nhắc “khả năng thực hiện các trừng phạt bổ sung, mạnh mẽ hơn” nếu Mátxcơva tìm cách làm điều tương tự với các khu vực khác của Ukraine.

“Chúng ta phải công nhận điều đó, để Nga cảm thấy tác động của những cấm vận này. Nó sẽ có tác động tới kinh tế toàn cầu cũng như những nước có mặt tại đây hôm nay”, ông Obama nói.

Thừa nhận rằng một số quốc gia EU phụ thuộc nhiều vào Nga hơn những nước khác trong vấn đề năng lượng, ông Obama cho rằng “toàn bộ sự việc này cho thấy châu Âu cần phải nghiên cứu cách thức đa dạng hóa các nguồn năng lượng”.

Ông cũng cho rằng Nato phải tiếp tục “có mặt thường xuyên” tại các quốc gia đông Âu cảm thấy dễ bị tổn thương trước khả năng có sự can thiệp từ Nga. Ông cũng bày tỏ sự quan ngại trước việc nhiều nước giảm chi tiêu quân sự.

Chủ tịch Van Rompuy đã gọi hành động của Nga tại Crimea là “một sự xấu hổ của thế kỷ 21, và chúng ta sẽ không công nhận nó”.

Thanh Tùng
Theo BBC