Mỹ tuyên bố dừng gắn kết, chuyển sang cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc
(Dân trí) - Một quan chức cấp cao của Mỹ về an ninh quốc gia tuyên bố thời kỳ gắn kết với Trung Quốc đã khép lại và Washington sẽ chuyển sang thời kỳ cạnh tranh quyết liệt với Bắc Kinh.
Trong bài phát biểu tại một sự kiện do Đại học Stanford (Mỹ) tổ chức hôm 26/5, ông Kurt Campbell, Điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, khẳng định rằng Mỹ đang tiến vào thời kỳ cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc.
"Thời kỳ được mô tả là gắn kết đã chấm dứt. Chính sách của Mỹ với Trung Quốc giờ đây sẽ vận hành với các mô hình chiến lược mới. Mô hình chiếm thế chủ đạo chính là cạnh tranh", ông Campbell, người được xem là "kiến trúc sư" về chính sách châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho biết.
Ông Campbell lý giải rằng chính sách của chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nguyên nhân chính dẫn tới sự thay đổi của Washington. Chiến lược gia Mỹ viện dẫn một số ví dụ như cuộc xung đột quân sự Trung - Ấn ở khu vực tranh chấp chủ quyền tại Himalaya, chiến dịch kinh tế của Trung Quốc nhằm trả đũa Australia kêu gọi mở cuộc điều tra Covid-19, hay chính sách ngoại giao "chiến lang" của Bắc Kinh.
Ông Campbell cho rằng, các động thái của Trung Quốc có xu hướng chuyển sang sử dụng "quyền lực cứng", báo hiệu rằng Bắc Kinh dự định có hành động quyết liệt hơn trong tương lai.
Phát biểu của ông Campbell diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt, thậm chí có những tín hiệu cho thấy có thể leo thang hơn.
Trong thông điệp ngày 26/5, Tổng thống Biden yêu cầu cơ quan tình báo Mỹ phải nỗ lực "gấp đôi" để điều tra nguồn gốc của dịch Covid-19, trước những giả thuyết nó rò rỉ từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc.
Ông Biden kêu gọi các quan chức Trung Quốc cần phải minh bạch hơn và Bắc Kinh cần phải tham gia vào một cuộc điều tra quốc tế dựa trên bằng chứng và cho phép phía điều tra tiếp cận mọi dữ liệu cần thiết. Phía Trung Quốc sau đó đã phản pháo Mỹ, cho rằng cuộc điều tra là "chiến dịch bôi nhọ và đổ lỗi" và sẽ gây ảnh hưởng tới nỗ lực ngăn chặn các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.
Ngoài dịch bệnh, 2 quốc gia còn đang căng thẳng liên quan hàng loạt vấn đề như Biển Đông, Tân Cương, Đài Loan, Hong Kong, cuộc thương chiến. Dù cả Mỹ và Trung Quốc đều cho biết họ có thể hợp tác trong một số lĩnh vực, như biến đổi khí hậu, nhưng đây được xem là khe cửa rất hẹp cho quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mạng lưới đồng minh sẽ là trọng tâm trong chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc, ông Campbell nhận định.
"Chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn là hợp tác với các đồng minh, đối tác và bạn bè," ông Campbell nói, nhấn mạnh "chính sách Trung Quốc tốt nhất chính là một chính sách châu Á đủ tốt".
"Đây là lần đầu tiên Mỹ dịch chuyển trọng tâm chiến lược, lợi ích kinh tế và năng lực quân sự sang Ấn Độ - Thái Bình Dương", quan chức Mỹ cho biết.