Mỹ "tung" dàn khí tài hiện đại giúp Nhật Bản tìm máy bay F-35 mất tích
(Dân trí) - Hải quân Mỹ đã triển khai nhiều tàu, máy bay và thiết bị quân sự để hỗ trợ Nhật Bản tìm kiếm máy bay chiến đấu F-35 mất tích trước khi công nghệ của tiêm kích này lọt vào tay các đối thủ Nga hoặc Trung Quốc.
Gần 3 tuần kể từ khi một máy bay chiến đấu tàng hình F-35A Lightning II của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản bị rơi trên Thái Bình Dương, song cho đến nay cả Mỹ và Nhật Bản vẫn chưa tìm thấy xác máy bay mất tích.
Máy bay do Thiếu tá Akinori Hosomi điều khiển biến mất một cách bí ẩn khỏi radar vào ngày 9/4. Phi công không phát đi bất kỳ tín hiệu khẩn cấp nào trước khi máy bay mất tích ở vùng biển cách phía đông căn cứ không quân Misawa khoảng 136km.
Xác máy bay chiến đấu thế hệ 5 do Mỹ sản xuất được tin là nằm dưới đáy biển ở độ sâu lên tới 1.500m.
Thiếu tá Hosomi là phi công có kinh nghiệm với hơn 3.000 giờ bay, bao gồm hơn 60 giờ bay với máy bay F-35. Chiếc F-35 mất tích của Nhật Bản được lắp ráp bởi Mitsubishi chưa đầy một năm trước.
Một tàu tuần duyên Nhật Bản và một máy bay quân sự Mỹ tìm kiếm máy bay F-35A gặp nạn ở vùng biển phía bắc Nhật Bản ngày 10/4. (Ảnh: Kyodo News)
Kể từ khi phát hiện máy bay mất tích, Mỹ và Nhật Bản đã triển khai chiến dịch tìm kiếm không ngừng nghỉ với hy vọng có thể trục vớt chiếc F-35 gặp nạn trước khi các nước khác, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, tìm thấy.
Washington và Tokyo lo ngại rằng nếu Moscow và Bắc Kinh tìm thấy F-35 của Nhật Bản trước, họ có thể nắm được những “bí mật” công nghệ quan trọng của máy bay chiến đấu này và tìm cách sao chép hoặc khắc chế trong tương lai.
Lầu Năm Góc ngày 25/4 thông báo nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ phi công mất tích trong vụ rơi máy bay chiến đấu Nhật Bản đã chính thức kết thúc. Tuy nhiên quân đội Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với lực lượng phòng vệ Nhật Bản để hỗ trợ định vị và trục vớt máy bay mất tích.
Một số khí tài của Mỹ đã được triển khai để hỗ trợ các tàu cứu hộ tàu ngầm, tàu tuần duyên, máy bay, tàu khảo sát hàng hải của Nhật Bản để tìm máy bay F-35, vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử và là một trong những máy bay hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Nhóm cứu hộ hải quân
Nhóm cứu hộ hải quân Mỹ trên tàu DSCV Van Gogh (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Một nhóm cứu hộ hải quân Mỹ được trang bị các tàu lặn không người lái và thiết bị dò tìm hộp đen TPL-25 có khả năng phát hiện các tín hiệu khẩn cấp ở độ sâu 7.600m đã được triển khai tới Thái Bình Dương để hỗ trợ Nhật Bản tìm kiếm máy bay mất tích.
Hãng tin USNI đưa tin các thiết bị được đội cứu hộ hải quân Mỹ triển khai ở vùng biển ngoài khơi Okinawa lần này cũng từng được sử dụng để tìm kiếm máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, mất tích bí ẩn hồi năm 2014.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Stethem đã được triển khai để tham gia chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ máy bay F-35 Nhật Bản mất tích ngay sau khi vụ việc xảy ra.
Máy bay tuần tra hàng hải
Máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Trong lúc triển khai tàu khu trục USS Stethem, Hải quân Mỹ cũng điều một máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon, loại máy bay chuyên săn tàu ngầm, để tìm kiếm máy bay F-35 mất tích.
Từ ngày 9-17/4, tàu khu trục USS Stethem và máy bay P-8A đã khảo sát khu vực rộng 17.000km2. Máy bay tuần tra hàng hải của Mỹ đã bay tổng cộng 182 giờ đồng hồ.
Máy bay trinh sát tầm cao
Máy bay trinh sát U-2 Dragon Lady (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Một máy bay trinh sát chiến thuật U-2 Dragon Lady của Không quân Mỹ, máy bay chuyên thu thập hình ảnh và dữ liệu tình báo, cũng bắt đầu tham gia chiến dịch tìm kiếm máy bay F-35 Nhật Bản mất tích từ ngày 12/4.
Thành Đạt
Theo Business Insider